Vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ em từ 0 đến dưới 6 tuổi
Trong 2 ngày, 1-2/12/2022, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội phối hợp cùng công ty TNHH Sanofi Việt Nam tổ chức thành công chương trình tập huấn “Vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ từ 0 đến dưới 6 tuổi”.
Trước khi thế giới biết đến sự tồn tại của virus và vi khuẩn, cách đây gần 300 năm, vaccine đậu mùa của bác sĩ Hoàng gia Anh Edward Jenner (1749-1823) được ứng dụng đầu tiên trong tiêm chủng nhằm phòng ngừa lây nhiễm bệnh đã thiết lập ra “đế chế” vaccine, giúp bảo vệ sức khỏe của hàng tỷ người trên khắp toàn cầu. Những chế phẩm chứa các kháng nguyên là các phiên bản suy yếu của virus hay phiên bản gần giống virus đã được bào chế đảm bảo an toàn. Khi đưa vào cơ thể, chúng kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh, đồng thời bảo vệ cơ thể khi tái tiếp xúc với virus trong tương lai.
Sự ra đời của vaccine đã thay đổi lịch sử nhân loại, giúp con người chiến thắng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và nâng cao tuổi thọ, nhất là ở trẻ em. Ngày nay, các chủng ngừa đã đẩy lùi, triệt tiêu bệnh đậu mùa trên toàn cầu; bệnh bại liệt gần như biến mất; giảm đáng kể các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu, thủy đậu, rubella, thương hàn,…
Nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong lựa chọn và tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ em, BVĐK Tâm Anh Hà Nội tổ chức tập huấn chuyên đề “Vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ từ 0 đến dưới 6 tuổi”. Chương trình diễn ra từ 15h00 – 17h30 ngày 1/12/2022 với sự tham gia của các diễn giả là những người có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm ở trẻ như BSCKI. Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam; BS. Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng I, Tp. Hồ Chí Minh; PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa – Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh.
Mở đầu chương trình, bác sĩ Bạch Thị Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng vaccine cho trẻ: “Do hệ miễn dịch non yếu, chưa hoàn thiện; kháng thể truyền từ mẹ qua nhau thai giảm nhanh sau 2 tháng đầu đời nên nếu bị mầm bệnh tấn công, trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh và diễn tiến nặng. Trong khi nhiều bệnh lý dù đã có vaccine nhưng tỷ lệ tử vong vẫn cao, tần suất mắc nhiều. Do đó để tối ưu hiệu quả bảo vệ, trẻ cần được tiêm ngừa để có miễn dịch trước khi tiếp xúc với mầm bệnh.”
Tại buổi tập huấn, bác sĩ Chính dẫn ra nhiều số liệu nghiên cứu thành quả của chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam. Nhiều năm qua, tỷ lệ trẻ mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm giảm đáng kể nhờ tiêm vaccine. Bộ Y tế thống kê, độ bao phủ vaccine năm 2020 đạt 94.6%, tuy nhiên năm 2021 giảm còn 71%. Theo bác sĩ Chính, đây là điều đáng lo ngại do để có hiệu quả bảo vệ cộng đồng, phải có độ bao phủ vaccine trên 80%. Những bệnh chưa được loại trừ, triệt tiêu vẫn còn nguy cơ tái lại.
Bác sĩ Chính phân tích những gánh nặng của 6 loại bệnh truyền nhiễm: ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do HIB, viêm gan B. Trong đó, ho gà có hệ số lây lan cao qua đường hô hấp, tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất ở trẻ nhỏ. Tại Việt Nam, 68.2% số ca ho gà xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, trong đó có 50% trẻ phải nhập viện và đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, ngưng thở, tổn thương não, thậm chí tử vong. Bệnh bạch hầu đang có xu hướng dịch chuyển qua nhóm trẻ lớn, với 34% số ca mắc ở trẻ 5 – 9 tuổi, 33% số ca mắc ở trẻ 9 – 14 tuổi và trên 15 tuổi, theo thống kê của Bộ Y tế năm 2021. Uốn ván có tỷ lệ tử vong cao nhưng tác dụng trên vaccine độc lập, chỉ người được tiêm mới được phòng ngừa. Bại liệt dù đã được thanh toán nhưng vẫn còn khả năng du nhập, lây nhiễm từ bên ngoài. Bên cạnh đó, vaccine bại liệt dạng uống ngừa có tác dụng bảo vệ cộng đồng, còn dạng chích ngừa chỉ có tác dụng bảo vệ cá nhân. Viêm gan B, viêm màng não mủ do HIB có khả năng lây nhiễm cao và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu không tiêm nhắc, bệnh vẫn có nguy cơ tái lại.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ, phế cầu là tác nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 do các bệnh có thể phòng bằng vắc-xin. Phế cầu khuẩn gây nên các bệnh lý nguy hiểm, trong đó viêm màng não và viêm phổi có nhiễm khuẩn huyết có tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng nặng nề. Ngoài ra, phế cầu đề kháng kháng sinh, đa kháng kháng sinh rất cao, lên đến 60% ca bệnh. Dẫn đến khó khăn trong điều trị và tốn kém rất nhiều chi phí, nguồn lực của xã hội để điều trị.
Để phòng ngừa các bệnh lý do phế cầu, bác sĩ Khanh dẫn ra khuyến cáo của WHO: trẻ cần được bú mẹ, vệ sinh thân thể và nơi sinh sống sạch sẽ, ăn sạch – uống sạch – thở sạch và tiêm ngừa vaccine phòng bệnh. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh: “Cuộc chiến giữa con người và vi sinh vật là trường kỳ, không bao giờ kết thúc. Ngày nay, vaccine ngừa phế cầu vẫn tiếp tục được nghiên cứu, phát triển, hướng đến đa chủng, bổ sung thêm các type huyết thanh nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa.”
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa trình bày những thông tin quan trọng về vaccine ngừa rotavirus. Hiện nay, rotavirus vẫn còn là gánh nặng bệnh lý – dịch tễ học của trẻ em trên toàn cầu. Các loại vaccine ngừa rotavirus vẫn được nghiên cứu sâu về miễn dịch, dịch tễ học, hiệu quả bảo vệ với mục tiêu bảo vệ dài hạn, bao phủ nhiều chủng với số liều hữu hiệu như nhiễm rotavirus tự nhiên. Theo PGS. Nghĩa, trong số các loại vaccine rotavirus, RV5 nổi trội với công nghệ tái tổ hợp, giúp bảo vệ trực tiếp 5 chủng rotavirus có trong thành phần vaccine chỉ với 3 liều tiêm bắt chước miễn dịch tự nhiên. Qua các số liệu thống kê, PGS. Nghĩa đã chỉ ra, sau 2 năm hoàn tất 3 liều tiêm RV5, số lần nhập viện ở trẻ giảm tới 85-95%.
Tổng kết chương trình, ba chuyên gia đều đưa ra khuyến cáo cần thiết tiêm vaccine đề phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Độ phủ vaccine cao không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự phát triển tự nhiên của trẻ mà còn giúp giảm tải gánh nặng của hệ thống y tế, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Tại chương trình, nhiều câu hỏi xoay quanh việc chích ngừa vaccine cho trẻ em, đặc biệt là trẻ sinh non cũng được đưa ra thảo luận giữa các diễn giả và cán bộ y tế. Kết thúc buổi tập huấn, các cán bộ y tế tham dự thực hiện bài kiểm tra và được cấp Giấy Chứng nhận có giá trị quy đổi số tiết đào tạo liên tục theo quy định của Bộ Y tế.
BVĐK Tâm Anh xin cảm ơn PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa, BSCKI Bạch Thị Chính, BS. Trương Hữu Khanh cùng các chuyên gia, cán bộ y tế đã tham dự chương trình. Bệnh viện cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhà tài trợ là Công ty TNHH Sanofi Việt Nam đã góp phần giúp chương trình diễn ra thành công.
Genshu hỗ trợ bổ thân, tráng dương, sinh tinh, yếu sinh lý, làm gia tăng lượng testosterone trong máu. Dùng cho người giảm ham muốn tình dục, xuất tinh sớm, di mộng tinh, rối loạn cương dương & thận dương suy.
Comments are closed.