Thay khớp gối nhân tạo cho người bệnh thấp khớp 30 năm
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh thay khớp gối nhân tạo thành công cho người bệnh mắc viêm khớp dạng thấp 30 năm.
Bà Nguyễn Thị Lan (65 tuổi) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vào đầu tháng 10 với hy vọng cải thiện bệnh viêm khớp dạng thấp đã mắc suốt 30 năm. TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình cho biết, bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp dù được điều trị phù hợp bằng thuốc nhưng tổn thương các khớp lớn, nhất là khớp gối và khớp háng vẫn diễn tiến nặng dần, kéo dài nhiều năm gây đau nghiêm trọng, liên tục. Bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, giảm chất lượng sống.
Kết quả thăm khám và chẩn đoán hình ảnh của bà Lan cho thấy, khớp háng tổn thương nặng nề hơn, nên bệnh nhân đã được thực hiện phẫu thuật thay khớp háng trước. Khớp gối hai bên cũng đã hư sụn hoàn toàn, biến dạng vẹo ngoài, co rút phần mềm bên ngoài. Tiến sĩ Nam Anh nhận định, thay khớp nhân tạo là giải pháp tối ưu cho người bệnh thoái hóa khớp hoàn toàn do viêm khớp dạng thấp. Việc tái tạo bề mặt của khớp gối giúp người bệnh giảm đau, cải thiện sự linh hoạt của khớp, khôi phục khả năng vận động, cải thiện chất lượng sống vì giảm mất ngủ, giảm căng thẳng và mệt mỏi, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy tim…
Bà Lan được tiến hành phẫu thuật thay lần lượt 2 khớp gối nhân tạo. Bác sĩ rạch một đường mổ trước gối khoảng 6 – 8cm thay vì 10 – 12 cm như trước đây, thuận lợi tiếp cận khớp. Qua đường mổ ít xâm lấn, bác sĩ cắt bỏ lớp sụn khớp lồi cầu đùi và mâm chày, thay thế bằng khớp nhân tạo làm từ kim loại, nhựa và các vật liệu tổng hợp, tránh tình trạng các đầu xương tiếp xúc trực tiếp khi di chuyển, vận động, hạn chế đau đớn cho người bệnh, sửa chữa các biến dạng của khớp và trục chi, sau đó kiểm tra độ chính xác và độ vững của khớp gối nhân tạo. Phần kim loại được gắn vào xương và giữ chặt bằng lớp xi măng y khoa mỏng. Vật liệu polyetylen được chèn vào giữa đùi và mâm chày, giúp khớp gối cử động nhẹ nhàng.
Phương pháp hiện đại với sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hàng đầu thế giới giúp người bệnh tránh bị tổn thương, giảm đau giảm tụ máu nhờ được bảo vệ mô mềm và các mạch máu ngoại biên. Trong đó, tiêu biểu với sự hỗ trợ của công nghệ kính thực tế ảo Knee+ giúp bác sĩ định vị khớp nhân tạo dễ dàng hơn, làm chủ các thao tác trong quá trình phẫu thuật. Kính giúp tính toán tọa độ 3D, định vị mặt cắt khớp gối, định hướng theo các trục chuyển động của khớp gối đồng thời cũng tôn trọng trục cơ học vốn có của bệnh nhân.
Các thông tin được thu nhận sẽ hiển thị trong tầm nhìn của phẫu thuật viên nhờ cảm biến gia tốc, đảm bảo các yếu tố định vị và chỉ định cắt chính xác, hạn chế tối đa sai sót với từng người bệnh vốn có những kích thước cơ thể và hệ thống xương khớp khác nhau.
ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình chia sẻ, cấu trúc khớp gối rất phức tạp bao gồm tổ hợp 3 xương: đầu dưới xương đùi, đầu trên mâm chày, xương bánh chè. Thay khớp gối nhân tạo là một trong những phẫu thuật đặc biệt khó đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn và chuyên môn sâu của đội ngũ y bác sĩ. Phẫu thuật viên cần hiểu rõ cơ chế sinh bệnh học, quy trình phẫu thuật và các thao tác kỹ thuật chuẩn xác giúp kết quả sau mổ đạt hiệu quả tối đa.
Sau phẫu thuật 1 ngày, bà Lan bắt đầu vận động khớp gối nhẹ nhàng trên giường. Từ ngày thứ hai, bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân các bài tập phục hồi chức năng với máy, đi lại với nạng hoặc khung để phục hồi sức cơ và tập bỏ khung. Sau 1 tháng tái khám, bà Lan đi lại thuận lợi, tinh thần phấn chấn.
Tiến sĩ Nam Anh khuyên, kỹ thuật thay khớp gối nên thực hiện ở bệnh nhân trên 60 tuổi để đảm bảo độ bền của khớp phù hợp với nhu cầu vận động và quỹ thời gian sống của bệnh nhân. Với những người trong độ tuổi hoạt động nhiều, khi điều trị nội khoa không hiệu quả có thể cân nhắc thực hiện các phẫu thuật ít xâm lấn như chỉnh trục chi, thay khớp một ngăn… Người bệnh sau thay khớp cần hạn chế các vận động nặng, tuân thủ chế độ dinh dưỡng, tập luyện phục hồi chức năng theo bài tập được chỉ dẫn, kiểm tra khớp định kỳ để duy trì độ bền, phát hiện và xử trí khi có dấu hiệu bất thường, đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh.
PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội khuyến cáo, viêm khớp dạng thấp (RA) là bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch, gây tổn thương các khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn nam giới gấp 2 – 3 lần. Bệnh cần điều trị tích cực ngay từ đầu giúp làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng như viêm mạch máu, loãng xương, bệnh phổi mạn tính, tổn thương hệ thần kinh…
Nhằm giúp người dân cập nhật các thông tin, kỹ thuật tiên tiến điều trị viêm khớp dạng thấp, vào 20h ngày 25/11, BVĐK Tâm Anh phối hợp cùng Báo điện tử của Đài truyền hình Việt Nam (vtv.vn) tổ chức chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến: “Viêm khớp dạng thấp & hay khớp trên bệnh nhân thấp khớp”. Các chuyên gia sẽ trực tiếp giải đáp thắc mắc về bệnh viêm khớp dạng thấp, triệu chứng dễ nhận biết, các phương pháp điều trị hiệu quả bao gồm nội khoa và thay khớp nhân tạo, giúp người bệnh tránh các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và nâng cao chất lượng sống.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia cơ xương khớp, chấn thương chỉnh hình đến từ Hệ thống BVĐK Tâm Anh:
- TTUT.PGS.TS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp – BVĐK Tâm Anh Hà Nội.
- TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc TT Chấn thương Chỉnh hình – Hệ thống BVĐK Tâm Anh.
- ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó khoa Chấn thương Chỉnh hình – BVĐK Tâm Anh Hà Nội.
Chương trình được phát trực tiếp trên ứng dụng VTVGo và các fanpage: Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 – Đài Truyền hình Việt Nam, VnExpress, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn; kênh Youtube Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh; kênh Youtube VNVC. Ngoài ra, chương trình cũng được tiếp sóng trên fanpage một số báo điện tử như VnExpress.net, Báo Thanh Niên.
Comments are closed.