Phương pháp hiện đại chẩn đoán, điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Siêu âm Doppler mạch máu, đốt Laser hay đốt sóng cao tần (RFA) nội mạch, bơm keo sinh học, chích xơ tĩnh mạch… là các phương pháp hiện đại, ít xâm lấn trong chẩn đoán và điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, đang được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 60% người trưởng thành ở các nước phát triển mắc suy giãn tĩnh mạch. Tại Việt Nam, hơn 40% người trên 50 tuổi bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. 75% bệnh nhân đi thăm khám trong giai đoạn tiến triển, gây biến chứng, dẫn đến điều trị khó khăn, tốn kém, mất nhiều thời gian.
Dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch có dễ nhận biết?
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới có thể gặp ở cả nam và nữ, đặc biệt là những người ngồi, đứng lâu, người có yếu tố nguy cơ như từ 50 tuổi, tiền sử gia đình mắc bệnh tĩnh mạch, phụ nữ mang thai, người béo phì, đái tháo đường…
Theo BS Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM, các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch dễ nhận biết bao gồm tĩnh mạch lớn gồ ghề dưới da, phù chân, mỏi chân, hoặc tĩnh mạch mạng nhện. Các triệu chứng trong giai đoạn muộn ít gặp hơn như loét chân. Đối với các bệnh nhân bị loét chân, trước đó rất lâu, vài năm, thậm chí vài chục năm đã có các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch nhưng không được phát hiện và điều trị.
ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch nói thêm, các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch ở mỗi giai đoạn có thể khác nhau. Giai đoạn một, bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng với tĩnh mạch giãn li ti dưới da theo kiểu mạng nhện. Giai đoạn 2, các tĩnh mạch nổi gồ ghề, ngoằn ngoèo trên da như giun. Giai đoạn 3, bệnh nhân có triệu chứng giãn và phù tĩnh mạch và thay đổi màu sắc da như chàm trong giai đoạn 4. Giai đoạn 5 có loét, tiến triển và lành được nhưng không lành trong giai đoạn 6.
“Nếu có triệu chứng nặng, mỏi chân, đau chân (tập trung vùng cẳng hoặc vùng đùi), tê chân, chuột rút. Triệu chứng nặng hơn về chiều, nhẹ vào buổi sáng, sau khi nằm ngủ kê chân cao thì sáng ngủ dậy thấy dễ chịu hơn. Cảm giác kiến bò hoặc nóng ran ở lòng bàn chân khi ngủ buổi tối… là các dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh suy tĩnh mạch”, bác sĩ Hằng bổ sung.
Theo các chuyên gia, mặc dù suy giãn tĩnh mạch có các triệu chứng điển hình nhưng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh – cột sống hay rạn da thường gặp ở bà bầu, phụ nữ sau sinh hoặc sau giảm cân ở người béo phì… khiến người bệnh chủ quan, trì hoãn điều trị.
Làm sao chẩn đoán chính xác triệu chứng suy giãn tĩnh mạch?
Theo BS.CKI Lê Tự Phúc – Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bên cạnh chẩn đoán dựa trên các bằng chứng lâm sàng điển hình, cần làm thêm các chẩn đoán cận lâm sàng để xác định suy giãn tĩnh mạch hay các bệnh lý như huyết khối, chấn thương qua thần kinh mông, hoặc phì đại cơ do đi lại nhiều.
Chẩn đoán bất cứ bệnh lý gì cũng cần tới 4 phương pháp chính bao gồm CT, MRI, X-quang, siêu âm. Riêng đối với bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới, siêu âm Doppler là lựa chọn chủ yếu. Siêu âm cho thấy dòng chảy của mạch máu trong các tĩnh mạch và thời gian phụt ngược. Nếu máu về tim, có những dòng chảy ngắn và sinh lý bình thường dưới thời gian cho phép một giây là tĩnh mạch bình thường, nếu kéo dài hơn một giây là suy tĩnh mạch. Đối với các tĩnh mạch nông là dưới 0,5 giây.
Trước kia, các thế hệ máy siêu âm cũ chưa có độ nhạy cao nhưng các thế hệ máy siêu âm hiện đại ngày nay, đặc biệt là các dòng máy siêu âm mới nhất gần đây có đầu dò với độ phân giải tốt hơn, tần số cao hơn. Điều này cung cấp các hình ảnh có độ chính xác cao, giúp bác sĩ có thể quan sát được các mạch máu rất nhỏ, nằm sát dưới lớp da, phân biệt được lòng mạch, dòng chảy ở bên trong các tĩnh mạch rõ hơn, cũng như quan sát sự đóng mở của các van tĩnh mạch rõ ràng hơn.
Cũng theo bác sĩ Phúc, bên cạnh máy móc, yếu tố con người rất quan trọng đối với việc chẩn đoán. Bác sĩ cần có kinh nghiệm mới có thể cắt ra được các hình ảnh có tính khách quan, đo được dòng phụt ngược đúng tiêu chuẩn. Ngoài ra, thời gian khảo sát cũng là một yếu tố quan trọng trong chẩn đoán. Bác sĩ cần phải có thời gian làm nhiều nghiệm pháp mới có thể quan sát được dòng phụt ngược của các van tĩnh mạch. Bởi vì dòng phụt ngược này không phải lúc nào cũng hoạt động ổn định, ví dụ buổi sáng, trưa không xảy ra tình trạng dồn máu xuống chân nhưng buổi chiều lại gặp tình trạng này. Hoặc nhiều người trong tư thế đứng không phát hiện được bất thường của dòng phụt ngược, nhưng khi rặn ho mới có biểu hiện. Phương pháp siêu âm chẩn đoán hiện đại, có thể giúp phát hiện bệnh suy giãn tĩnh mạch ngay từ giai đoạn sớm. Những người có yếu tố nguy cơ và tiền sử gia đình mắc suy giãn tĩnh mạch, nên đi thăm khám sức khỏe và siêu âm ngay từ khi chưa có triệu chứng để phát hiện bệnh sớm.
Chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch bằng siêu âm, bệnh nhân có thể trong tư thế đứng hoặc nằm. Tuy nhiên, tư thế nằm thường được áp dụng trước đây không cho hiệu quả cao như tư thế đừng. Vì vậy hiện nay, tư thế đứng được sử dụng trong siêu âm nhiều hơn. Tại BVĐK Tâm Anh, bệnh nhân được siêu âm bằng tư thế đứng, nhưng nếu nghi ngờ huyết khối sẽ được siêu âm bằng cả tư thế đứng và nằm.
Siêu âm chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch trong thời kỳ mang thai hầu như không có tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Phụ nữ mang thai có yếu tố nguy cơ suy giãn tĩnh mạch hoặc xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ có thể đi siêu âm kiểm tra. Phương pháp này an toàn và hoàn toàn không có tác dụng phụ.
Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch
Theo bác sĩ Quốc Hoài, điều trị suy giãn tĩnh mạch có thể bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa. Phương pháp nội khoa bao gồm việc dùng thuốc, đeo vớ áp lực tĩnh mạch. Loại vớ này có tác dụng tạo áp lực ở phần ngoài da để ép các tĩnh mạch nông cũng như các hệ tĩnh mạch sâu ở chân lại, không cho việc ứ máu xảy ra quá lâu. Nếu việc điều trị bằng thuốc và dùng vớ tĩnh mạch không hiệu quả sẽ áp dụng biện pháp ngoại khoa.
Bác sĩ Hằng thông tin thêm, giai đoạn một có thể điều trị nội khoa hoặc chích xơ vào những tĩnh mạch giãn li ti dưới da. Từ giai đoạn 2 có thể áp dụng nhiều phương pháp can thiệp nội tĩnh mạch, ví dụ như laser tĩnh mạch, đốt sóng cao tần hoặc hiện đại nhất là bơm keo sinh học Venaseal trong lòng tĩnh mạch hiển lớn. Những phương pháp điều trị hiện đại nhất trên thế giới đều đã được thực hiện tại BVĐK Tâm Anh.
Đối với trường hợp tĩnh mạch sâu dưới gối, việc điều trị thông thường là mang vớ áp lực tĩnh mạch hoặc bổ sung thêm thuốc để làm giảm các triệu chứng đau, phù chân. Tập thể dục và thay đổi lối sống cũng giúp cải thiện bệnh, nhất là tập thể dục. Tập thể dục sẽ giúp tạo ra hệ cơ bắp chân vững chắc, đủ mạnh để hỗ trợ các tĩnh mạch sâu đẩy máu về tim một cách tốt nhất.
Trường hợp suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai, bác sĩ Hằng thông tin, không có bằng chứng nào cho thấy suy tĩnh mạch ở thai kỳ sẽ ảnh hưởng tới thai nhi và bệnh này thường sẽ tự khỏi sau khi sinh xong khoảng một năm. Tuy nhiên, bà bầu vẫn nên điều trị bảo tồn nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc điều trị bảo tồn bao gồm thay đổi lối sống, tập thể dục phù hợp với từng tam cá nguyệt và mang vớ áp lực ngay khi bắt đầu có triệu chứng nặng mỏi chân, đau, tê chân, chuột rút hai chân về đêm…
Bác sĩ Hoài chia sẻ, hai kỹ thuật đốt Laser, sử dụng sóng cao tần can thiệp nội mạch đang được thực hiện ở BVĐK Tâm Anh hiệu quả gần như tương đương nhau. Thời gian thực hiện cũng rất ngắn, trong khoảng 60-90 phút. Sau thủ thuật, người bệnh có thể ngồi dậy và đi lại được. Người bệnh sẽ được theo dõi 6-8 tiếng ở bệnh viện, sau đó có thể đeo vớ áp lực và về nhà, sinh hoạt bình thường. Ngay sau thủ thuật các triệu chứng đau mỏi chân, phù chân cũng giảm một cách đáng kể.
Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch
Bác sĩ Hằng cho biết, một số nghiên cứu cho thấy, suy tĩnh mạch chân ở phụ nữ cao gấp 4 lần nam giới. Nguyên nhân là do mang thai và một phần là do uống thuốc ngừa thai. Mang thai có thể gây suy giãn tĩnh mạch do sự thay đổi nội tiết tố và trọng lượng thai nhi chèn ép các tĩnh mạch trong ổ bụng, cản trở sự hồi lưu máu về tim. Nếu một người phụ nữ đã có bệnh lý suy tĩnh mạch chân trước đây thì trong lúc mang thai có thể làm nặng thêm tình trạng này.
Trong khi đó, một số phụ nữ có cơ địa nhạy cảm, thuốc ngừa thai có thể gây ra các cục máu đông trong tĩnh mạch. Đây là cục huyết khối gây cản trở sự hồi lưu của máu về tĩnh mạch, làm cho chân bị phù và căng lên, cảm giác rất đau nhức. Lúc này, việc điều trị sẽ rắc rối và phức tạp, thường phải dùng thuốc kháng đông trong một khoảng thời gian dài.
Do đó, nếu gia đình có tiền sử bị huyết khối tĩnh mạch, phụ nữ nên hạn chế sử dụng thuốc ngừa thai và thăm khám sức khỏe, tốt nhất là siêu âm tĩnh mạch trong thời kỳ mang thai để dự phòng bệnh.
Những người có làn da mỏng cũng có nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch cao hơn người bình thường vì ít cơ, cơ lỏng lẻo. Cơ đóng vai trò ép chặt mạch máu để máu hồi về tim. Ngoài ra, người ngồi nhiều, đứng lâu cũng có nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch chân… đều nên đi thăm khám, tầm soát suy giãn tĩnh mạch sớm.
Bác sĩ Hoài cho hay, đối với các trường hợp đã được chẩn đoán và điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng phương pháp nội khoa, sau một năm điều trị, người bệnh nên tái khám để được đánh giá chuyên sâu và xem tình trạng suy giãn tĩnh mạch có tiến triển. Hoặc có phát sinh thêm các bệnh lý khác gây ra các triệu chứng giống suy giãn tĩnh mạch hay không. Cần lưu ý rằng, bệnh tĩnh mạch có thể tiến triển và đến một thời điểm nào đó sẽ cần phải can thiệp ngoại khoa.
“Sau khi điều trị suy giãn tĩnh mạch, người bệnh cần hạn chế ngồi lâu, đứng lâu. Trường hợp không thể thay đổi tính chất công việc nên đeo vớ áp lực tĩnh mạch, sau 30-45 phút phải thay đổi tư thế. Chẳng hạn, nếu ngồi thì phải đứng lên đi lại, nếu đứng thì phải ngồi kê cao chân lên. Chế độ ăn uống cần bổ sung nhiều rau, củ, quả, giúp tiêu hóa tốt hơn, giảm áp lực vùng hậu môn và chân khi đi đại tiện; hạn chế thức ăn nhanh, đồ ăn công nghiệp, tránh ăn mặn; không uống rượu bia và hút thuốc lá…”, bác sĩ Hoài lưu ý.
Testoherb 1 Hour kích thích cơ thể sản sinh hormone testosterone nội sinh, điều trị bệnh liệt dương, rối loạn cương dương & xuất tinh sớm.
Comments are closed.