Phòng ngừa và điều trị bệnh động mạch vành mạn
80% bệnh mạch vành có thể phòng ngừa được nếu mọi người chủ động tầm soát tim mạch định kỳ, trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và bài tập vận động phù hợp.
Đây là chia sẻ của PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và các chuyên gia Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến “Phòng ngừa và điều trị bệnh động mạch vành mạn” do Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Báo điện tử VTV.VN phối hợp tổ chức.
Nhận diện và cấp cứu người bệnh động mạch vành
Động mạch vành gồm động mạch vành trái và phải; là mạch máu rất quan trọng của cơ thể và cũng là mạch máu làm cho cả triệu người trên thế giới bị mắc bệnh tim, trong đó có 50% bị nhồi máu cơ tim cấp và 50% bị động mạch vành mạn.
Theo PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, bệnh mạch vành là bệnh khá đặc biệt vì triệu chứng rất đa dạng. Có người bệnh không có triệu chứng gì nhưng bỗng dưng đột tử vì bệnh này; hoặc có người bệnh cảm thấy nghẹn ở ngực, đau ngực, đặc biệt thấy đau ở vùng dạ dày (vùng thượng vị) mỗi khi gắng sức; đi lên cầu thang cảm thấy hụt hơi hoặc đột ngột bị ngất thì cần sớm kiểm tra bệnh động mạch vành.
Ở phụ nữ, cảm giác đau không phải ở trước tim mà có thể bên phải của ngực, khiến nhiều người không nghĩ đó là triệu chứng của bệnh động mạch vành. Do đó, mỗi người cần tìm hiểu thông tin để nhận biết và phòng ngừa bệnh động mạch vành.
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bệnh động mạch vành được chia thành 2 nhóm: bệnh động mạch vành cấp và bệnh động mạch vành mạn.
Nếu như ở nhóm bệnh mạch vành cấp tương đối dễ chẩn đoán, chỉ cần xem xét triệu chứng đau ngực, thực hiện đo điện tim (nhận biết bệnh qua đoạn ST chênh lên, chênh xuống) hoặc thử men tim; thì ngược lại, nhóm bệnh động mạch vành mạn có triệu chứng đa dạng nên cần nhiều phương tiện, máy móc để chẩn đoán chính xác.
Có nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành như: chụp MSCT có thuốc cản quang với độ chính xác đến 80%; sau đó áp dụng các thử nghiệm không xâm lấn như ECG gắng sức, siêu âm dobutamine, xe đạp bàn nghiêng,… để xác nhận các mạch máu bị hẹp và gây thiếu máu cục bộ vùng cơ tim. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhờ kỹ thuật Cardiac Swing, chỉ cần 2 lần chụp, với tổng cộng 7-8 ml thuốc cản quang, bác sĩ có thể thu được hình ảnh 3D động mạch vành ở mọi góc độ thay vì 6-8 lần chụp với lượng thuốc đưa vào cơ thể có thể lên đến 20-30ml như kỹ thuật thông thường. Điều này giúp giảm nguy cơ cho những bệnh nhân mạch vành kèm bệnh gan, thận mạn…
“Khi cấp cứu người bệnh mắc hội chứng mạch vành cấp, thời gian là điều rất quan trọng. Mỗi một giờ trôi qua, số lượng cơ tim chết đi càng nhiều, tỷ lệ tử vong tăng 1% và tỷ lệ suy tim về sau cũng tăng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời gian chuẩn từ khi người bệnh đến bệnh viện cấp cứu cho đến khi thực hiện tái thông mạch vành là 70 phút. Bác sĩ cấp cứu chính là người khởi động toàn bộ ekip, gồm có bác sĩ thông tim, bác sĩ gây mê và bác sĩ nội tim mạch cùng một lúc; trong đó bác sĩ gây mê và bác sĩ nội tim mạch thực hiện nhanh siêu âm để xem có các biến chứng như vỡ tim, tràn dịch màng tim, hở van hay không, sau đó thông báo cho bác sĩ thông tim.
Khi mạch máu người bệnh được mở rộng như nguyên thủy thì lúc đó được định nghĩa là cấp cứu thành công và người bệnh sẽ được đưa về khoa hồi sức hoặc phòng nội trú tiếp tục theo dõi sau can thiệp”, bác sĩ Long nhấn mạnh.
Chọn đặt stent hay phẫu thuật bắc cầu động mạch vành?
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, động mạch vành bị hẹp nặng đến 90% có thể gây nên các cơn nhồi máu cơ tim hoặc tình trạng thiếu máu của tim, suy tim. Do đó, người bệnh cần được tái thông lòng mạch kịp thời.
Có 2 kỹ thuật để tái thông mạch máu bị tắc: Một là can thiệp qua đường nội mạch, tức là đưa dụng cụ qua đường mạch máu, từ bên ngoài (ở tay hoặc ở đùi) đưa vào động mạch vành để nong bóng và đặt stent; Hai là phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Với những tổn thương và độ phức tạp không nhiều thì có thể sử dụng phương án đặt stent; ngược lại, khi tình trạng mạch máu tổn thương nhiều, độ phức tạp cao hơn, bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật.
“Với những trường hợp có nhiều bệnh nền, chúng tôi xem xét ở 2 khía cạnh: đầu tiên là bệnh nền đó có tạo ra nguy cơ khi phẫu thuật hay không? Vì nếu là nguy cơ gây tai biến, tử vong cao thì cần phải cân nhắc; ví dụ như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy thận nặng,… Tiếp theo, bác sĩ đánh giá các nguy cơ khác như đái tháo đường, huyết áp cao, rối loạn lipid máu,… để chọn phương pháp phù hợp”, bác sĩ Dũng thông tin.
Với sự đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã thực hiện nhiều kỹ thuật tiên tiến của thế giới trong điều trị hẹp mạch vành nặng do xơ vữa, tái hẹp trong stent, bệnh nhân lớn tuổi kèm nhiều bệnh nền phức tạp như bệnh gan, thận mạn, suy tim… Không chỉ chụp mạch vành với lượng thuốc cản quang tối thiểu giúp hạn chế biến chứng cho thận, các bác sĩ còn đặt stent kích thước lớn lên đến 5mm, giảm nguy cơ tái hẹp xuống dưới 2%, can thiệp qua đường động mạch quay ở tay giúp bệnh nhân đi lại bình thường ngay sau can thiệp…
Bên cạnh đó, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành ít xâm lấn với những đường mổ nhỏ, thậm chí có những kỹ thuật không cần sử dụng máy tim phổi nhân tạo được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng giúp giảm biến chứng trong và sau phẫu thuật, bệnh nhân nhanh hồi phục.
Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh đánh giá, bệnh động mạch vành mạn có thể điều trị ổn định và người bệnh hoàn toàn sống khỏe mạnh. Ở giai đoạn đầu sau đặt stent hoặc phẫu thuật, người bệnh sẽ sử dụng khá nhiều thuốc, tuy nhiên sau này bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc. Do đó, người bệnh cần tuân thủ điều trị, thăm khám định kỳ với bác sĩ để được theo dõi tình trạng sức khỏe và xử trí phù hợp.
Phó giáo sư Vinh cũng nói thêm, bệnh mạch vành có thể có di truyền. Nếu người trẻ có bố mất dưới 55 tuổi hoặc mẹ mất dưới 60 tuổi vì bệnh mạch vành thì cần tầm soát bệnh mạch vành từ sớm để được điều trị kịp thời.
Dưới đây là phần giải đáp thắc mắc gửi về chương trình tư vấn trực tuyến “Phòng ngừa và điều trị bệnh động mạch vành mạn”. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
1. Đau ngực sau đặt stent phải làm sao?
Tôi đặt stent vào năm 2018. Tháng 12/2021, chụp stent cũ thông tốt, chỗ khác hẹp dưới 50% nên không đặt. Nhưng lên cơn đau liên tục. Tháng 4/2022, tôi nhập viện khám, khám vẫn cứ đau. Tháng 7/2022 nhập viện, chụp và đặt thêm một stent nữa nhưng đến nay vẫn đau như cũ. Tôi uống thuốc rất đều, bác sĩ nói điều chỉnh thuốc, nhưng vẫn cứ đau ở ngực. Đau liên tục cả năm nay (tối khoảng 22h, sáng 5h là lên cơn đau). Mong bác sĩ tư vấn.
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long:
So với tuổi thọ trung bình của người Việt là 75 tuổi, ở tuổi 57, bác đã đặt hai stent là quá sớm. Để giảm tốc độ nghẹt, không còn đau ngực, người bệnh cần kiểm soát những yếu tố nguy cơ khiến quá trình xơ vữa tiến triển nhanh hơn.
- Thứ 1, yếu tố thuốc lá. Nếu tiếp tục hút thuốc là thì dù đặt bao nhiêu stent cũng có thể bị tái hẹp.
- Thứ 2, yếu tố cao huyết áp. Nên khống chế huyết áp xuống con số lý tưởng là 120/80 mmHg. Nếu để huyết áp càng cao thì cơn đau ngực sẽ càng nhiều hơn.
- Thứ 3, bệnh tiểu đường. Người bệnh nên kiểm soát đường huyết ổn định. Chính tiểu đường làm cho những mạch máu nhanh nghẹt hơn. Những mạch máu chúng ta thấy là những mạch máu lớn ở thượng tâm mạc; ngoài ra còn có một hệ thống mạch máu rất nhỏ mà chúng ta không thể nào thấy được. Cả mạch máu lớn và mạch máu nhỏ đều bị bệnh tiểu đường tàn phá.
- Thứ 4, tỷ trọng cholesterol xấu (LDL-C) trong máu. Bạn đã đặt stent rồi thì mục tiêu chỉ số LDL-C phải thấp hơn 1.5 mmol/L. Nếu để chỉ số này càng cao thì nguy cơ nghẹt stent càng nhiều.
- Thứ 5, tình trạng béo phì. Béo phì là một yếu tố rất nguy hiểm, làm tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng tỷ lệ đau khớp khiến chúng ta không tập luyện được. Vì vậy, người bệnh cần giữ cân nặng chuẩn. Để dễ nhớ, bạn có thể lấy số đuôi của chiều cao hoặc xung quanh con số này là cân nặng lý tưởng. Ví dụ chiều cao 1m57 thì 57kg hoặc trên dưới con số này là gần với cân nặng lý tưởng.
- Thứ 6, chế độ ăn. Việc ăn nhiều thịt heo hay thịt động vật nói chung có nguy cơ gây rối loạn mỡ máu dẫn đến nghẹt bên trong stent. Lúc này, dù chúng ta dùng thuốc mạnh đến mấy thì điều đó vẫn tiếp tục diễn tiến.
- Thứ 7, stress (căng thẳng). Tình trạng căng thẳng trong công việc, kết hợp thường xuyên lo lắng, buồn phiền, giận dữ… sẽ tác động làm cho các mạch máu mau nghẹt hơn.
- Thứ 8, tập luyện. Tập luyện thể dục thể thao một cách đều đặn sẽ giúp làm chậm quá trình xơ vữa. Bạn có thể đến bệnh viện Tâm Anh TP.HCM để được đánh giá mức độ của mình, còn có thể tập luyện ở mức độ nào. Khi có con số cụ thể thì sẽ có được phương án tập luyện tốt nhất.
Bạn nên đến bệnh viện Tâm Anh TP.HCM để được bác sĩ chỉ định thuốc giúp giảm triệu chứng đau ngực cho trường hợp đã đặt stent rồi. Bên cạnh đó, bạn cần giải quyết những yếu tố nguy cơ trên đây nhằm ngăn tình trạng tái hẹp sau đặt stent.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Đau thắt ngực đôi khi không phải do mạch vành, có thể do nguyên nhân khác. Để kiểm tra, tôi sẽ hỏi lại triệu chứng của người bệnh có điển hình không; triệu chứng có giống như lúc chưa đặt stent không; khám tim, nghe tim, đo điện tâm đồ, siêu âm tim với gắng sức xe đạp, bàn nghiêng. Đây là phương tiện rất hiện đại, chẩn đoán hiệu quả. Người bệnh nằm đạp xe đạp và được bác sĩ siêu âm, tìm xem có thiếu máu cơ tim hay không. Nếu không thể đạp xe, người bệnh sẽ được siêu âm dobutamine để kiểm tra tình trạng co bóp của tim. Nếu vẫn không thấy thiếu máu cơ tim, chúng ta sẽ loại được 80% và tôi sẽ tìm nguyên nhân khác. Trong nguyên nhân khác cũng có phần viêm mạch vành, lúc chụp không thể thấy. Tôi tìm cách tăng cường điều trị chống thiếu máu cục bộ với nhiều biện pháp rất tốt. Hy vọng lúc đó giảm bớt triệu chứng của người bệnh.
2. Đau khi ấn vào ngực có phải bệnh mạch vành không?
Em 36 tuổi, thỉnh thoảng ngực trái lại bị giật giật, sau đó có cảm giác khó thở, nghẹt ở tim (chỉ khoảng vài chục giây), ngồi nghỉ ngơi thì đỡ, nhưng sau đó ấn vào ngực trái gần xương ức thì đau, có khi nhìn ở ngoài còn hơi sưng, đỏ. Cứ bị như vậy (ấn vào ngực bị đau) mất mấy ngày. Như vậy là bị sao ạ, có phải bị bệnh mạch vành không và có nguy hiểm không ạ?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Với tuổi 36, tôi nghĩ ít gặp bệnh mạch vành. Khi đau, người bệnh chỉ vị trí đau cho bác sĩ khám. Nếu người bệnh chỉ một cách mơ hồ, đặt cả bàn tay lên ngực thì có thể mạch vành. Nhưng nếu lấy một ngón tay chỉ đúng vị trí đau thì thường không phải mạch vành. Đấy là một số dấu hiệu nhận biết. Bạn đau như vậy, với tuổi trẻ như vậy có thể không phải bị mạch vành.
Tôi cũng sẽ hỏi thêm một số câu hỏi: Bạn có bị tiểu đường hay không? Có hút thuốc không? Thử máu bao giờ hay chưa? Gia đình có bố mẹ bị bệnh mạch vành lúc trẻ hay không? Nếu không có, bạn chắc chắn không bị bệnh mạch vành và cứ yên tâm tập thể dục.
3. Sau mổ bắc cầu mạch vành cần làm kiểm tra gì để biết tim vẫn ổn định?
Tôi đã mổ cầu nối mạch vành cách đây 2 năm. Hiện nay, hàng tháng tôi vẫn đi khám định kỳ và vẫn uống thuốc đều theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng nay tôi thường xuyên bị chóng mặt, lảo đảo khó chịu, thỉnh thoảng bị chóng mặt, buồn nôn sau khi ăn. Xin bác sĩ cho lời khuyên: Tôi nên khám và làm kiểm tra gì để xác định rõ là tim tôi vẫn ổn? Nếu tim mạch ổn thì nên khám chuyên khoa gì để giải quyết tình trạng chóng mặt như hiện tại?
TS.BS Nguyễn Anh Dũng:
Trước tiên, bạn cần kiểm tra lại vấn đề tim mạch, trong đó có đo điện tim, siêu âm tim. Nếu nghi ngờ cầu nối mạch vành có thể bị hẹp trở lại thì cũng có thể phải chụp cầu nối mạch vành.
Ngoài ra, cũng không loại trừ các tình huống liên quan đến mạch máu não và hệ thần kinh. Để kiểm tra xác định nguyên nhân gây chóng mặt như vậy thì bạn cần đi khám để được bác sĩ siêu âm, đánh giá động mạch cảnh ở đốt sống có bị hẹp hay không. Nếu có thì có thể khiến dòng máu lên não không được đầy đủ và gây ra tình trạng chóng mặt như vậy.
Bên cạnh đó cũng có thể có những bệnh lý mạch máu não ở bên trong não thì chúng ta cũng nên khám thêm. Bạn có thể khám bác sĩ thần kinh hoặc bác sĩ tim mạch để mà xác định thêm. Chúng ta có thể chụp CT để đánh giá mạch máu não để xem có phải là những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu máu lên não hay không.
4. Dị ứng thuốc cản quang có chụp mạch vành được không?
Năm 2011 tôi bị rối loạn nhịp tim rung nhĩ/bệnh tiểu đường. Tôi có vào TP.HCM và được thầy Phạm Nguyễn Vinh khám và điều trị và uống thuốc duy trì theo đơn của thầy thì bệnh cũng tạm ổn. Hồi đó tôi có đi chụp kiểm tra mạch vành ở bệnh viện Đà Nẵng, nhưng có hiện tượng dị ứng thuốc cản quang. Giờ tôi thấy thỉnh thoảng có đau nhói ngực nên muốn vào bệnh viện Tâm Anh TP HCM chụp mạch vành kiểm tra. Vậy kính mong các thầy tư vấn giúp tôi dị ứng thuốc cản quang thì có phương pháp nào không ạ?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Để chẩn đoán bệnh động mạch vành, không phải chụp CT mạch vành có chất cản quang hay chụp mạch vành có chất cản quang ngay. Chúng tôi sẽ hỏi lại bệnh sử, xem người bệnh có triệu chứng thế nào, tìm các yếu tố nguy cơ. Vì có rung nhĩ nên không làm ECG gắng sức, thay vào đó là siêu âm tim gắng sức qua xe đạp bàn nghiêng nếu bạn có thể đạp xe được. Với phương pháp này, người bệnh nằm trên giường đạp xe nên cũng rất nhẹ nhàng. Còn không được thì chúng tôi làm siêu âm dobutamine để tìm mạch vành. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có phương pháp để giải mẫn cảm đối với thuốc cản quang hiệu quả. Hiện nay, chúng ta đủ phương tiện chẩn đoán và phương pháp điều trị ngay cả cho với những người mẫn cảm, dị ứng để điều trị bệnh mạch vành.
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long:
Tại Trung tâm Can thiệp mạch, chúng tôi có phương pháp Cardiac Swing, nhờ cánh tay robot xoay xung quanh bệnh nhân, chúng tôi chỉ chụp 2 lần với 8ml cản quang đã có thể thu được hình ảnh 3D toàn diện của mạch vành. Những người có dị ứng nặng thuốc cản quang thì chúng tôi cũng thực hiện phương pháp này rất an toàn. Bạn cứ an tâm đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được tư vấn và chỉ định phương pháp phù hợp..
5. Khi nào cần đặt stent mạch vành?
Tôi 53 tuổi, bị hẹp mạch vành đã đặt một stent nhánh trái năm 2010. Cách đây 2 tháng, tôi đi chụp lại mạch vành và bác sĩ cho biết nhánh phải đang bị hẹp 90%. Tuy nhiên, các chỉ số sinh hóa đều bình thường, chỉ có Triglyceride cao 4,59 H. Một số bác sĩ khuyến cáo tôi nên đặt stent thứ 2. Một số khác lại khuyên không nên đặt mà cần tập luyện và dùng thuốc. Xin được các bác sĩ tư vấn.
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long:
Nếu hẹp mạch vành không được nong kịp thời thì tình trạng hẹp sẽ diễn tiến từ 90% đến khi tắc. Sau đó, người bệnh có thể bị suy tim. Nếu bạn đã bị hẹp mạch vành 90% thì theo hướng dẫn của thế giới, bạn nên nong. Đó là biện pháp cơ học tức thời, làm sao cho mạch vành rộng ra, tránh rơi vào một cực khác là suy tim, lúc đó việc điều trị còn khó khăn hơn. Còn vấn đề điều trị nội khoa, đây là vấn đề lâu dài, làm sao tích cực điều trị nhằm mục đích khống chế tất cả yếu tố nguy cơ làm cho mạch vành nghẹt. Chúng ta vẫn có thể sống bình yên với nó.
Hai động tác khác nhau. Một là mình điều trị cơ chế, hai là điều trị cơ học để tránh suy tim. Do đó, bạn nên đến bệnh viện và bác sĩ sẽ giúp giảm Triglyceride xuống dưới 1.7 mmol/L thì lúc đó mới giảm tối đa tác động của xơ vữa. Ngoài ra, vấn đề ăn uống và tập luyện cũng phối hợp đồng thời nhằm giúp mạch vành không nghẹt quá nhanh, tránh tiến triển tới các nhánh khác. Với trường hợp trên 90%, để tránh suy tim, bạn nên đặt stent và điều trị nội khoa cần tăng cường để đạt được hiệu quả tối ưu.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Bạn đã đặt stent rồi, động mạch vành phải nghẽn 90%. Chúng tôi sẽ chia ra: động mạch vành phải có lớn hay không? Nghẽn ở phần đầu, phần giữa hay phần xa? Nếu nghẽn ở phần giữa thì ít lo lắng. Theo lý thuyết, khuyến cáo của Hội Tim mạch Châu Âu năm 2019, nếu nghẽn ở phần đầu mà 90% thì bác sĩ có quyền can thiệp nong mạch vành sau khi cắt nghĩa cho người bệnh. Nếu nghẽn dưới 90% thì cần tìm chứng cứ thiếu máu cơ tim. Ví dụ, nếu là siêu âm gắng sức, thấy vùng đó thiếu máu thì bác sĩ mới nong cho người bệnh. Do đó, bạn nghẽn phần giữa, dù 90% thì vẫn có thể chữa nội khoa tích cực, điều trị thay đổi lối sống hoàn toàn; 6 tháng sau khảo sát lại, không bắt buộc phải nong ngay.
Nếu nghẽn ở phần đầu thì chúng tôi sẽ bàn với người bệnh vì nguy cơ khá cao, có thể phải nong và sau đó điều trị nội khoa tích cực cho người bệnh.
6. Làm thế nào ngăn xơ vữa mạch vành tiến triển?
Tôi bị xơ vữa 2 nhánh từ 20 – 30% từ một năm nay. Tôi vẫn đang uống thuốc hàng tháng và xin bác sĩ tư vấn là trường hợp của tôi có nguy hiểm hay không? Tôi cần làm gì để ngăn xơ vữa tiến triển và làm sao biết mạch vành hẹp để can thiệp kịp thời?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Khi chúng ta chụp MSCT mạch vành, có thể thấy nghẽn từ 20-50%. Đây là dấu hiệu báo động và cần điều trị tích cực bệnh xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là một bệnh toàn thể, không chỉ ở mạch vành. Chúng ta có 3 vòng tròn: Vòng tròn lớn nhất là mạch vành; vòng tròn lớn thứ 2 là động mạch cảnh và não (gây ra đột quỵ); và vòng tròn thứ ba là bệnh động mạch ngoại vi (gây ra tắc mạch máu chi dưới). Ba vòng tròn này đều bị ảnh hưởng bởi xơ vữa động mạch. Do đó, bác sĩ cần có cái nhìn chung, tổng thể.
BVĐK Tâm Anh TP.HCM trang bị máy chụp MSCT 768 lát cắt hiện đại, khi cần có thể chụp và nếu phát hiện nghẽn từ 30-50% thì sẽ được điều trị nội khoa tích cực cho người bệnh.
7. Những ưu điểm vượt trội của các thiết bị chụp mạch vành?
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long:
Để chẩn đoán và can thiệp điều trị bệnh mạch vành, một phương tiện tiến bộ vượt bậc đã được sản xuất, đó là MSCT. Tim luôn luôn đập, vì vậy chụp hình ảnh động càng nhanh thì hình ảnh càng rõ nét. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã có máy chụp MSCT lên đến 768 lát cắt, giúp hiển thị rõ nét hình ảnh mạch vành tim và chẩn đoán chính xác hiện tượng hẹp mạch vành. Khi nghi ngờ bị động mạch vành thì biện pháp CT được đặt lên hàng đầu để giúp chẩn đoán chính xác vị trí hẹp, mức độ hẹp có nguy hiểm hay không. Đó là phương tiện chẩn đoán không xâm lấn.
Nhưng mà có một nhược điểm là tuổi người người bệnh càng lớn thì mạch vành đóng vôi. Chính hiện tượng đóng vôi che lấp mạch máu làm cho việc đọc kết quả hẹp mạch máu bị sai lệch. Nếu đại đa số điểm đóng vôi trên 1000 điểm thì chỉ chụp có cản quang thôi. Phương tiện để thấy mạch vành rõ hơn, đó là DSA (Kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền – Digital Subtraction Angiography). Bác sĩ luồn một ống thông nhỏ khoảng 2mm vào đường động mạch quay (bên phải hoặc bên trái). Đi qua đường này thuận tiện cho người bệnh, sau khi chụp xong, người bệnh có thể đi lại và sinh hoạt bình thường (không gây biến chứng chảy máu như khi đi qua động mạch đùi).
DSA giúp thấy rõ mạch máu nuôi trái tim. Hình ảnh này được định nghĩa là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán mạch vành. Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học thì có các phương tiện khác hỗ trợ như Siêu âm trong lòng mạch, Chụp quang học cắt lớp,… để thấy được lòng mạch rõ hơn, quan sát tổn thương, mảng xơ vữa rõ hơn.
8. Khi nào cần mổ bắc cầu động mạch vành?
Thưa bác sĩ, mẹ em năm nay 58 tuổi, mẹ bị bệnh động mạch vành cách đây hơn 1 năm nhưng chỉ điều trị bằng thuốc và theo dõi. Dạo gần đây thì mẹ mệt mỏi, khó thở và huyết áp cao hơn. Trường hợp mẹ em có phải phẫu thuật không ạ? Em đọc thấy có nói về mổ bắc cầu mạch vành mà chưa rõ lắm. Cho em hỏi là trường hợp như nào mới mổ theo phương pháp này, mổ thì có nguy hiểm hay biến chứng gì về sau không ạ?
TS.BS Nguyễn Anh Dũng:
Gần đây, mẹ bạn đã có những biểu hiện có vẻ như tình trạng hẹp mạch vành ngày càng nặng lên, do đó cần đưa mẹ bạn đến bệnh viện để thực hiện các kiểm tra xác định tổn thương hiện tại, nguyên nhân khiến mẹ bạn bị mệt và huyết áp tăng lên. Bác sĩ cần xác định mẹ bạn có nguy cơ có các cơn đau ngực và thậm chí là nhồi máu cơ tim hay không. Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá và lựa chọn kỹ thuật nào trong 2 kỹ thuật tái thông động mạch vành: Can thiệp qua da và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành kinh điển là bác sĩ sẽ mở ngực qua đường xương ức và có sự kết hợp của máy tim phổi nhân tạo. Nhờ máy này mà tim sẽ được nghỉ hoàn toàn trong suốt quá trình phẫu thuật và bác sĩ có thể thao tác các vị trí hẹp của động mạch vành để làm cầu nối. Mạch máu để làm cầu nối sẽ được lấy ở trên người bệnh, đó là các động mạch ở trên thể ngực (động mạch vú trong, một bên hoặc hai bên); động mạch quay ở tay hoặc động mạch ở dưới chân (tĩnh mạch hiển) hoặc động mạch ở dạ dày. Với những mạch máu này, bác sĩ sẽ nối vào ở phía sau mạch vành bị hẹp, mục đích là tái cung cấp máu cho vùng cơ tim bị thiếu máu. Sau khi thực hiện xong, máy tim phổi nhân tạo sẽ từ từ dừng lại và cho quả tim của người bệnh đập trở lại.
Gần đây có những cải tiến mới trong phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, trong đó có phẫu thuật xâm lấn tối thiểu với những đường mổ nhỏ, thậm chí có những kỹ thuật không cần sử dụng máy tim phổi nhân tạo. Bởi vì động mạch vành nằm ở trên bề mặt của quả tim, kích thước vẫn đủ để bác sĩ thao tác phẫu thuật trong khi quả tim vẫn đập vừa phải. Chúng tôi có những dụng cụ để cố định tạm thời một vùng của cơ tim, làm cho vùng cơ tim hạn chế chuyển động, từ đây bác sĩ thao tác nối các mạch máu.
Hướng cải tiến thứ hai là làm sao để có được cầu nối động mạch vành có được thông lâu dài. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu sử dụng tĩnh mạch thì có xu hướng tắc sớm sau vài năm, 5 năm hoặc lâu hơn; ngược lại sử dụng động mạch sẽ giúp tái thông lâu dài. Chính vì vậy, làm sao sử dụng càng nhiều động mạch để làm cầu nối đó, hạn chế dùng tĩnh mạch thì sẽ tốt hơn.
Trường hợp nào có thể thực hiện được các kỹ thuật này? Bạn nên đưa mẹ bạn đến bệnh viện để các bác sĩ xác định tổn thương, để xem có cần thiết phải sử dụng phương pháp bắc cầu động mạch vành hay không, hay chỉ cần can thiệp là được. Nếu áp dụng phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng chung, tổn thương mạch máu ở vị trí nào, bao nhiêu cầu nối cần phải làm; với tình trạng sức khỏe người bệnh thì có thể phẫu thuật bắc cầu động mạch vành kinh điển hay là kỹ thuật ít xâm lấn… Tùy những yếu tố đó, bác sĩ sẽ lựa chọn kỹ thuật phù hợp cho mẹ bạn.
Bất kỳ phẫu thuật, thủ thuật nào cũng đều có những nguy cơ nhất định. Phẫu thuật tim có thể nói là phẫu thuật lớn nhất trong tất cả các loại phẫu thuật, vì chúng ta tác động lên sự sống còn của người bệnh. Chúng ta chủ động làm cho quả tim ngừng đập và rồi lại chủ động làm cho quả tim đập trở lại. Tác động phẫu thuật tim lên người bệnh rất là lớn. Nguy cơ biến chứng có thể cao hơn các phẫu thuật khác, tuy nhiên với việc áp dụng những kỹ thuật tiên tiến trong gây mê, hồi sức và nhiều phương tiện hiện đại thực hiện phẫu thuật, nguy cơ biến chứng, tai biến trong phẫu thuật tim cũng đã được giảm tối đa. Trong phẫu thuật tim, nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh bây giờ có thể xấp xỉ 0%, nghĩa là chỉ dưới khoảng 1%. Mặc dù phẫu thuật lớn nhưng tỷ lệ rủi ro thực sự không phải quá nhiều nên bạn có thể yên tâm nếu như có chỉ định phẫu thuật tim.
9. Làm thế nào xác định cơn đau ngực do bệnh mạch vành?
Khi làm việc gì nặng tay một chút thì ngày mai vùng ngực trái của tôi thỉnh thoảng nhói đau, khoảng hai ngày sau thì hết. Bác sĩ cho siêu âm tim bị thiếu máu cơ tim nhưng không kê đơn điều trị, chỉ khuyên theo dõi. Xin hỏi trường hợp của tôi có phải đau do mạch vành không và cần làm kiểm tra gì không?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Đối với bệnh mạch vành mạn thì cơn đau thắt ngực ổn định, xảy ra khi gắng sức, kéo dài từ 3-5 phút, khi đứng nghỉ thì hết. Còn nếu đau do nhồi máu cơ tim cấp thì thường kéo dài từ 15-30 phút. Nếu đau 2 ngày sau mới hết thì tôi nghĩ không phải do mạch vành. Tuy nhiên cũng cần khai thác chi tiết các yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch. Nếu bạn có hút thuốc lá mỗi ngày một bao, có tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao thì dù đau không đặc hiệu vẫn phải đo điện tâm đồ, siêu âm tim. Cần thiết cũng có thể làm MSCT để xác định chính xác.
10. Làm sao chẩn đoán chính xác tình trạng mạch vành sau thủ thuật?
Với người bệnh đặt stent mạch vành, ngoài giải pháp xâm lấn còn có cách nào khác chẩn đoán chính xác tình trạng mạch vành sau thủ thuật? Việc tắc mạch ở tim thì có dẫn đến tắc mạch ở các vị trí khác không? Và ngoài việc uống thuốc, tập thể dục, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, người bệnh sau nhồi máu cơ tim cần làm gì để phòng ngừa bệnh tái phát?
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long:
Hiện chúng ta có các kiểm tra cận lâm sàng không xâm lấn để chẩn đoán bệnh mạch vành như sau:
- ECG gắng sức, chạy trên thảm lăn, vừa đo điện tâm đồ, thấy đoạn ST chênh xuống 1mm, thì lúc đó mình kết luận là dương tính, xác suất chính xác là 67%.
- Siêu âm bàn nghiêng: người bệnh nằm trên bàn nghiêng và đạp xe đạp trên đó. Siêu âm dùng để quan sát, khi đạp mạnh mà vùng cơ tim nào bóp không nổi thì có thể mạch vành ở vùng cơ tim đó bị hẹp.
- Siêu âm dobutamine: Với những người đạp xe không nổi thì dùng thuốc nhằm mục đích kích thích tim đập mạnh lên. Trên hình ảnh học, chúng ta thấy được vùng cơ tim nào yếu thì vùng đó đang thiếu máu cục bộ.
- Xạ hình cơ tim: Bác sĩ sẽ tiêm chất phóng xạ vào tim, rồi cũng làm nghiệm pháp gắng sức. Sau đó qua máy scan để thấy được sự gắn kết của chất phóng xạ lên cơ tim. Vùng nào gắn kết ít thì rõ ràng lượng máu đến đó ít và có thể chẩn đoán vùng đó thiếu máu cơ tim.
Chúng ta chia làm 3 vòng: vòng mạch ở não, vòng mạch ở tim và vòng mạch ở tứ chi. Hệ thống động mạch có cùng một cơ chế. nghẹt ở tim cũng có thể nghẹt ở mạch máu não và cũng có thể nghẹt ở mạch máu tay chân. Và tất cả các bệnh đó cũng có thể đồng thời mắc, chỉ có là trước sau, nặng nhẹ khác nhau mà thôi. Để mà khống chế tất cả bệnh lý xơ vữa động mạch thì phải liệt kê tất cả những yếu tố nguy cơ làm cho mạch bị nghẹt nhanh hơn.
Sau khi đặt stent, người bệnh vẫn phải lưu ý và kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Ngoài ra, cần có sự đánh giá của bác sĩ về việc gắng sức nào là an toàn, từ đó có lời khuyên giải pháp tập luyện cho mình. Quá trình tập luyện, chế độ ăn uống là nền tảng, cái gốc để khống chế quá trình xơ vữa. Còn nong mạch vành hay phẫu thuật bắc cầu động mạch vành chỉ là biện pháp ngọn thôi. Chúng ta giải quyết những vấn đề cơ học nhằm mục đích để mạch máu lưu thông, và chúng ta phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ để dòng máu không bị tắc nghẽn lần nữa.
11. Sau mổ bắc cầu mạch vành bao lâu có thể ngưng uống thuốc?
Chào bác sĩ, tôi mắc bệnh động mạch vành, đã phẫu thuật bắc cầu mạch vành khoảng 6 tháng. Hiện tại sức khỏe tôi đã ổn định, tuy nhiên tôi vẫn phải uống thêm thuốc. Tôi muốn hỏi là sau mổ bắc cầu mạch vành bao nhiêu tháng thì không cần uống thuốc nữa? Tôi xin cảm ơn bác sĩ.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng:
Bị bệnh mạch vành mà phải phẫu thuật bắc cầu động mạch vành thì bệnh lý xơ vữa trong người bạn cũng ở giai đoạn có những biến chứng rồi. Người bệnh sau mổ bắc cầu động mạch vành cần sử dụng thuốc, với các mục đích khác nhau, trong đó có mấy mục đích quan trọng để làm sao không bị tắc hẹp cầu nối động mạch vành. Chúng ta thường dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu, tùy theo mục tiêu mà có thể sử dụng 6 tháng đến 1 năm, hoặc dùng càng lâu càng tốt. Nếu như cầu nối dùng bằng tĩnh mạch hiển thì có xu hướng tăng sinh trong nội mạc và có xu hướng đóng dính các mảng tiểu cầu thì mình cần dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu lâu dài.
Sau khi mổ vẫn phải tiếp tục dùng thuốc để kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây hẹp động mạch vành. Phẫu thuật hay đặt stent chỉ là giải quyết hậu quả, còn vấn đề nguy cơ vẫn phải tiếp tục điều trị.
Sau khi tái lưu thông máu cho mạch vành thì cũng cần sử dụng thuốc để cơ tim tái cấu trúc trở lại. Tùy theo tình trạng của người bệnh để tiếp tục được điều trị bằng thuốc như thế nào. có thể chúng ta sử dụng nhiều ở giai đoạn đầu sau khi phẫu thuật và giảm đi sau quá trình theo dõi. Tuy nhiên, người bệnh cần được thăm khám và chỉ định dùng thuốc bởi bác sĩ, không nên tự ý giảm liều lượng hoặc ngưng thuốc.
12. Đau ngực sau khi chơi thể thao có nguy hiểm không?
Gần đây, em không biết tại sao mỗi lần chơi thể thao cường độ cao thì đến tối về ngủ đến giữa đêm thì cảm thấy đau ngực trái liên tục phải tỉnh giấc, nằm nghiêng bên phải thì lại bình thường. Lúc chơi thể thao thì em không cảm thấy đau ngực hay khó thở gì, vẫn chơi bình thường. Em không biết mình có vấn đề gì về tim mạch hay không? Nhờ bác sĩ cho lời khuyên.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Có thể tình trạng đau ngực của bạn không liên quan gì đến chơi thể thao; mà do làm việc căng thẳng hoặc thức ăn khó tiêu, khi nằm khiến bạn khó chịu. Những triệu chứng này khó có thể nghĩ đến một bệnh gì. Nếu có thăm khám thì cần khám tổng thể. Nếu bạn từ 25-30 tuổi, bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng lại, nghe tim, khám gan, bụng; kiểm tra chỉ số mỡ máu, chức năng thận, tiểu đường; làm điện tâm đồ, siêu âm tim, trắc nghiệm gắng sức để xem khả năng của bạn đến đâu. Nếu mọi thứ bình thường, bạn vẫn có thể tiếp tục các hoạt động của mình và giảm bớt nếu cần.
13. Hẹp động mạch vành phải RCA II 30% có cần chụp lại mạch vành không?
Tôi đo điện tâm đồ chẩn đoán thiếu máu cơ tim. Hiện tại, tôi vẫn chơi cầu lông, bóng bàn mà không bị đau ngực, khó thở. Tôi đã chụp MSCT cách đây 4 năm, hẹp RCA II 30%. Vậy tôi có cần đi chụp lại không?
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long:
Theo tôi không nên chụp lại MSCT bởi vì thông tin rất rõ ràng, mình biết rõ mạch vành rồi. Lời khuyên thứ hai, nhằm ổn định mảng xơ vữa, không gây ra biến cố vỡ mảng xơ vữa, mạch vành cấp, bạn nên đi kiểm tra và khống chế lượng cholesterol LDL (mỡ xấu) theo đúng tiêu chuẩn, bạn sẽ giảm được sự nguy hiểm của tim cấp. Thứ ba bạn nên đến bệnh viện để thử kiểm tra gắng sức nhằm mục đích đánh giá sức của mình, còn lại bao nhiêu, có thể chơi được môn cầu lông hay không. Tùy theo kết quả đó, bác sĩ cho lời khuyên nên giảm thể lực, hoạt động thể thao để phù hợp kết quả test gắng sức đó.
Test gắng sức cũng có giá trị phát hiện diễn tiến mạch vành phía trong của bạn. Test gắng sức dương tính thật khoảng 67%, vẫn phát hiện được khi diễn tiến nhiều lên đến 70% thì gắng sức này thể hiện rất rõ mà không cần qua MSCT. Khi có kết quả kiểm tra bằng nghiệm pháp gắng sức rồi mới tính đến chuyện chụp mạch vành và nong mạch vành, mục đích là biện pháp cơ học giúp mạch vành rộng ra trở lại.
14. Người lớn tuổi mổ bắc cầu mạch vành có nguy cơ gì không?
Thưa bác sĩ, đã đặt stent thì có được áp dụng phương pháp mổ bắc cầu hay không? Trường hợp lớn tuổi thì mổ bắc cầu có nguy cơ gì hay không? Tôi thấy bệnh viện Tâm Anh có mổ tim ít xâm lấn cho trẻ con; không biết người lớn có được mổ ít xâm lấn hay không? Xin bác sĩ tư vấn.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng:
Đầu tiên, nếu bạn đã đặt stent rồi và tiếp tục hẹp động mạch vành thì mình nên xem xét có tiếp tục nong và đặt stent tiếp được nữa không. Đó là một trong những kỹ thuật ít xâm lấn. Nếu như trong trường hợp tổn thương hẹp không phù hợp đặt stent thì lúc đó mới xem xét phương pháp mổ bắc cầu động mạch. Với trường hợp lớn tuổi, có nguy cơ phẫu thuật nhất định thì việc áp dụng bắc cầu động mạch vành ít xâm lấn cho kết quả tương đối tốt với kỹ thuật tương đối hoàn thiện, có thể bắt đầu với tất cả những vị trí hẹp cần bắc cầu.
Tùy theo trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn phẫu thuật ít xâm lấn không sử dụng đường tuần hoàn ngoài cơ thể hoặc sử dụng đường mổ nhỏ ở ngực bên.
15. Đau ngực khi thay đổi thời tiết có nguy hiểm không?
Tôi năm nay 48 tuổi, mỗi lần thay đổi thời tiết (đặc biệt là khi trời sắp mưa rào), tôi thường hay bị tức ngực khó thở, cảm giác khó chịu ở ngực trái, thỉnh thoảng đau nhói ngực, xiên cả sau lưng. Xin bác sĩ tư vấn giúp. Tôi xin cảm ơn.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Những triệu chứng bạn đưa ra không đặc hiệu cho bệnh động mạch vành. Triệu chứng của bệnh mạch vành cũng có thể không đặc hiệu, do đó cần xét đến yếu tố nguy cơ của bạn. Nếu bạn hút thuốc nhiều, ăn nhiều thịt đỏ, có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp thì có nguy cơ bị bệnh mạch vành. Một trong những trắc nghiệm được áp dụng để chẩn đoán là ECG gắng sức bàn nghiêng hoặc siêu âm tim dobutamine. Nếu bạn vẫn có nguy cơ cao thì trong trường hợp này cần chụp MSCT mạch vành. Còn nếu bạn không thuộc 4 đối tượng nguy cơ trên thì không cần phải lo lắng về chuyện mạch vành. Tôi có thể dùng các biện pháp điều trị khác để giúp bạn cảm thấy đỡ mệt mỏi, hết tức ngực.
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được chú trọng đầu tư cơ sở vật chất khang trang, quy tụ đội ngũ giáo sư, bác sĩ là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch Việt Nam, mang đến dịch vụ thăm khám, chẩn đoán và điều trị toàn diện, hiệu quả các vấn đề tim mạch cho trẻ em và người lớn. Bệnh nhân có thể được phẫu thuật bắc cầu động mạch vành ít xâm lấn với những đường mổ nhỏ, thậm chí có những kỹ thuật không cần sử dụng máy tim phổi nhân tạo được áp dụng cũng giúp giảm biến chứng trong và sau phẫu thuật, bệnh nhân nhanh hồi phục.
Ngoài ra, Trung tâm Tim mạch sở hữu hệ thống trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới như máy siêu âm tim và mạch máu 4D hiện đại, máy chụp cộng hưởng từ 1,5 – 3 Tesla, MSCT tim và động mạch vành 768 lát cắt, hệ thống máy DSA chụp mạch vành 2 bình diện,… giúp điều trị cho người bệnh mắc các bệnh lý tim mạch như suy tim, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim, thiếu máu cơ tim, tim bẩm sinh,…
Phác đồ điều trị được xây dựng cá thể hóa cho từng người bệnh, đem lại hiệu quả cao trong việc cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của ca bệnh.
Cardocorz với thành phần chế phẩm từ cao dong giúp tăng cường lưu thông khí huyết phòng ngừa thiếu máu cơ tim và nguy cơ đau thắt ngực.
Comments are closed.