Nội soi đại tràng chẩn đoán viêm đại tràng mạn và ruột kích thích
Nội soi đại tràng giúp phát hiện những tổn thương ở đại tràng và nguy cơ ung thư ở người bị viêm đại tràng mạn tính và Hội chứng ruột kích thích.
Tiến sĩ Phạm Hữu Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM), cho hay, nội soi đại tràng là phương pháp đưa ống nội soi mềm với đường kính khoảng 1cm từ hậu môn đi ngược lên đại tràng và manh tràng (vùng tiếp nối giữa ruột non và ruột già) để quan sát toàn bộ đại tràng.
Đến nay, nội soi đại tràng vẫn được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán các bệnh lý đại trực tràng. Qua hình ảnh thu được, bác sĩ có thể phát hiện những tổn thương trong đường ruột như các vùng viêm loét, chảy máu, polyp, khối u… Hiện có 2 phương pháp nội soi đại tràng, bao gồm nội soi truyền thống (nội soi thường) và nội soi có gây mê (nội soi không đau).
Với phương pháp nội soi đại tràng truyền thống có ưu điểm là chi phí thấp, người bệnh tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện. Tuy nhiên, người bệnh sẽ phải trải qua cảm giác khó chịu, căng tức bụng, thậm chí đau đớn. Đặc biệt, với các trường hợp người bệnh là trẻ nhỏ hay người gặp khó khăn trong nhận thức thì khó có thể hợp tác trong quá trình soi. Như vậy bác sĩ sẽ khó thực hiện khảo sát được một cách kỹ lưỡng, dễ bỏ sót tổn thương.
Đối với nội soi gây mê, người bệnh sẽ được cho ngủ trong quá trình nội soi, do vậy người bệnh sẽ không còn cảm giác đau hay khó chịu và hồi tỉnh nhanh chóng sau khi kết thúc thủ thuật. Kỹ thuật này giúp việc nội soi diễn ra dễ dàng. Nếu cần can thiệp cắt polyp, cầm máu, lấy dị vật… bác sĩ cũng sẽ tiến hành thuận lợi và chính xác hơn. Hạn chế của phương pháp này là nguy cơ gặp phải biến chứng do thuốc mê gây ra. Do đó, trước khi thực hiện thủ thuật, người bệnh sẽ được bác sĩ gây mê tư vấn và khám kỹ lưỡng để giảm thiểu tối đa tai biến.
Hiện nay, việc nội soi đại trực tràng tầm soát ung thư đại trực tràng được khuyến cáo ở những người có độ tuổi từ 45 trở lên. Nội soi có thể được tiến hành sớm hơn ở những người có tiền căn gia đình có người bị ung thư đại trực tràng.
Đối với viêm đại tràng mạn tính, phương pháp nội soi cũng giúp bác sĩ xem xét toàn bộ khung đại tràng. Qua nội soi, bác sĩ cũng có thể sinh thiết lấy các mẫu mô để xét nghiệm mô bệnh học nhằm khẳng định chẩn đoán chính xác hơn.
Thông qua nội soi, bác sĩ cũng phân loại được thể bệnh nhẹ hoặc nặng, giúp ích cho định hướng điều trị và tiên lượng bệnh nhân. Bên cạnh đó, xét nghiệm máu, xét nghiệm mẫu phân, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ… cũng được sử dụng để tìm ra nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị thích hợp nhất theo từng người bệnh.
Theo Thạc sĩ Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa (Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM), viêm đại tràng mạn và Hội chứng ruột kích thích (IBS) đều có chung biểu hiện đau bụng và rối loạn đi tiêu nên dễ gây nhầm lẫn cho người bệnh. Cả hai bệnh đều diễn tiến kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm chất lượng sống người bệnh. Nếu hội chứng ruột kích thích ít gây những tổn thương cụ thể cho người bệnh thì bệnh viêm đại tràng mạn không được chẩn đoán và điều trị, người bệnh có thể đối diện nguy cơ thủng ruột, áp xe ruột, tắc ruột thậm chí ung thư đại tràng.
Triệu chứng phổ biến là đau bụng, đau quặn, đặc biệt đau sau khi ăn. Những cơn đau thường khác nhau về cường độ, vị trí và thời gian. Mức độ đau giảm sau khi đi cầu, xì hơi. Một số yếu tố khác làm tăng tình trạng đau bụng như căng thẳng, bất ổn trong công việc, gia đình…; tiêu thụ các loại thực phẩm nhiều đường và chất béo; giai đoạn trước và trong kỳ kinh (đối với nữ giới). Tuy nhiên, đau bụng ở người bệnh IBS không gây giảm cân, không ảnh hưởng đến dinh dưỡng và hiếm khi ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Bên cạnh đau bụng, IBS còn làm thay đổi thói quen đi tiêu của người bệnh. Biểu hiện thông thường, táo bón xen kẽ với tiêu chảy; tiêu chảy hoặc táo bón chiếm ưu thế nhưng một số người bệnh vẫn đi tiêu bình thường. Bác sĩ Quỳnh Ngân giải thích thêm, triệu chứng táo bón chủ yếu là phân cứng, dạng viên, có thể kéo dài vài tuần hay vài tháng. Người bệnh cũng có thể bị tiêu chảy với lượng phân ít, sệt hoặc lỏng; xảy ra lúc sáng sớm, cảm giác “mót tiêu” ngay sau khi ăn (chiếm 36% bệnh nhân), phân có chất nhầy (chiếm trên 50% bệnh nhân); tình trạng trầm trọng hơn khi căng thẳng, sau khi ăn uống.
Hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng đến khoảng 11% dân số trên toàn cầu. Tỷ lệ mắc bệnh trung bình của IBS thay đổi đáng kể ở từng châu lục và quốc gia: Châu Mỹ Latinh (17,5%), Châu Á (9,6%), Bắc Mỹ / Châu u / Úc / New Zealand (7,1%), Trung Đông và Châu Phi (5,8%).
Cũng có biểu hiện đau bụng và rối loạn đi tiêu, nhưng đau bụng do viêm đại tràng mạn tính lại xảy ra ở nửa khung đại tràng trái và hai hố chậu; đau ít giảm sau khi đi tiêu. Người bệnh đi tiêu phân lỏng và đi nhiều lần trong ngày hoặc táo bón, phân lẫn máu hoặc dịch nhầy. Các biểu hiện khác bao gồm cơ thể mệt mỏi, suy nhược, sụt cân. Ngoài ra, bệnh còn gây nhiều tổn thương ở các cơ quan khác như viêm khớp, viêm mống mắt, viêm giác mạc, tổn thương ở thận, tổn thương trên da…
Thế nhưng, nghiêm trọng hơn so với Hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng gây ra những biến chứng nguy hiểm hơn như chít hẹp đại tràng, rò ruột, áp xe đại trực tràng, thủng ruột hoặc phình đại tràng nhiễm độc. Nếu bệnh diễn ra lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại tràng, tăng tỉ lệ tử vong.
Khoảng 20% dân số Việt Nam mắc bệnh viêm đại tràng, trong số đó có 4 triệu người mắc viêm đại tràng mãn tính, nguy cơ “chung sống” với bệnh suốt đời.
Bác sĩ Quỳnh Ngân nhấn mạnh, để phòng bệnh, bên cạnh duy trì việc khám bệnh định kỳ tầm soát bệnh, người dân nên tạo thói quen ăn uống hợp lý (chia nhỏ bữa ăn trong ngày, tránh các thực phẩm chứa chất kích thích như rượu, cà phê…), hoạt động thể chất thường xuyên (20-30 phút/ ngày, 3-5 ngày/ tuần), giảm stress, cân bằng giấc ngủ.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Viêm đại tràng mạn tính và hội chứng ruột kích thích” vào lúc 20h ngày 03/11, với sự tham gia của TS.BS Phạm Hữu Tùng, PGĐ Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM; ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM và BS.CKI Hoàng Đình Thành, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Chương trình được phát sóng trên fanpage báo điện tử VnExpress, báo Thanh Niên, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Trung tâm Nội soi và phẫu thuật nội soi tiêu hóa, VNVC – Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và người lớn, Nutrihome – Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng… Độc giả gửi câu hỏi tại đây để được giải đáp chi tiết.
GVH KSOL bổ sung các chất chống oxy hóa, hạn chế gốc tự do từ đó giảm nguy cơ mắc ung bướu. Sản phẩm còn có công dụng giảm triệu chứng viêm loét dạ dày, tá tràng; giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch & giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị và sau phẫu thuật.
Comments are closed.