Người đàn ông suýt hoại tử chân do tắc động mạch chủ bụng
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ – động mạch đùi hai bên bằng ống ghép mạch máu nhân tạo, cứu bệnh nhân khỏi nguy cơ hoại tử chân.
Ông Huỳnh Tấn Lộc (55 tuổi, ngụ Quận 1, TP.HCM) đến Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thăm khám vì đi lại khó khăn suốt hai năm nay. Ông cho biết, cứ mỗi lần đi bộ, hai chân lại đau cách hồi và càng ngày triệu chứng càng tăng nặng. “Lúc đầu tôi có thể đi bộ 100 mét nhưng sau đó chỉ có thể đi được 50 mét, rồi giảm xuống còn 20 mét vì quá đau nhức”, ông Lộc nói.
Sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán, các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình nhận định, nguyên nhân không xuất phát từ hệ thống cơ xương khớp. Kết quả siêu âm mạch máu ghi nhận có tình trạng tắc mạch ở hai chi dưới và tắc động mạch chủ bụng.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhân có bệnh nền mỡ máu cao, axit uric cao và hút thuốc lá nhiều năm. Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch chủ bụng ngay sau chỗ chia động mạch mạc treo tràng dưới làm cho máu tưới xuống hai chân giảm rất nhiều. Hai chân hiện chỉ được nuôi bằng hai mạch máu bàng hệ nhỏ và may mắn chưa bị hoại tử.
Theo bác sĩ Dũng, đây là tình huống rất nguy hiểm, bệnh nhân cần phải được điều trị bán cấp cứu. “Nếu tắc nghẽn mạch kéo dài thêm một thời gian nữa sẽ gây ra tình trạng thiếu máu nuôi hai chân và suy giảm chức năng của tất cả các tạng trong bụng. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến hoại tử chi dưới và nguy cơ tắc các mạch máu nuôi dưỡng tạng. Đặc biệt, nếu tiến triển tắc nghẽn nặng hơn, các cơn đau nhức có thể gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ não”, bác sĩ Dũng nói.
5 tiếng phẫu thuật thông tắc động mạch chủ bụng
Ca phẫu thuật được thực hiện trong 5 giờ đồng hồ. Bác sĩ Dũng cho biết, khi mở ổ bụng, toàn bộ động mạch chủ bụng từ dưới chỗ xuất phát của động mạch mạc treo tràng dưới đã bị bít bởi các mảng xơ vữa. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với hình ảnh chụp CT chẩn đoán trước đó.
“Tình trạng xơ vữa động mạch diễn tiến trong thời gian dài làm cho thành mạch máu dày lên và suy yếu nên không thể thông lòng mạch tắc nghẽn. Người bệnh bắt buộc phải thay đoạn động mạch đó bằng ống ghép mạch máu nhân tạo”.
Theo đó, nhánh lớn của ống ghép mạch máu nhân tạo hình chữ Y được nối ở động mạch chủ phía trên chỗ tắc và hai nhánh nhỏ nối với hai động mạch đùi đi xuống hai chân. Theo bác sĩ Dũng, đây là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị chuyên biệt, tinh vi để tiếp cận được tất cả các nhánh mạch máu nhưng không gây ra tổn thương. Đặc biệt, khi khâu nối các mạch máu, phẫu thuật viên phải thao tác tỉ mỉ, chính xác, đảm bảo không gây chảy máu, làm yếu thành mạch dẫn đến biến chứng vỡ mạch sau này. Ngoài ra, cần có dụng cụ hỗ trợ vén, tiếp cận phần sâu sau phúc mạc tại vị trí có động mạch chủ khi mở ổ bụng. Điều này hỗ trợ phẫu thuật viên thao tác chính xác nhất, giúp phẫu thuật thành công.
“Các dụng cụ phẫu thuật mạch máu bằng kim loại rất chắc bền và được thiết kế chuyên biệt, không gây ra các sang chấn tổn thương mạch máu khi gắp, kẹp trong quá trình phẫu thuật. Đặc biệt, bộ dụng banh bụng đa năng hiện đại chuyên dùng cho các phẫu thuật lớn, phức tạp đã giúp bác sĩ thao tác chính xác và giảm biến chứng hậu phẫu.”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Theo bác sĩ Dũng, bộ dụng cụ mở rộng bụng đa năng này có thể bộc lộ vùng động mạch bị tắc nghẽn, giữ mô không che lấp vùng cần tiếp cận và không gây tổn thương các tạng. Đây là một thiết bị hiện đại hỗ trợ cho các ca phẫu thuật bụng tốt nhất hiện nay, chỉ được trang bị tại một số ít bệnh viện ở Việt Nam. Tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch đã ứng dụng thường quy kỹ thuật và thiết bị này trong các phẫu thuật lớn ở bụng, mang đến hiệu quả điều trị tối ưu cho bệnh nhân với chi phí hợp lý nhất.
Cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, bệnh nhân hồi tỉnh và phục hồi tốt, sau một ngày có thể ăn uống, đi lại, 4-5 ngày đã có thể sinh hoạt bình thường và xuất viện.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Dũng, trường hợp của bệnh nhân Lộc phẫu thuật mới chỉ là điều trị xong hậu quả của tình trạng hẹp tắc mạch máu. Bệnh nhân vẫn phải tiếp tục kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá mỡ… để không mắc các bệnh động mạch vành, động mạch cảnh, bệnh mạch máu ngoại biên..
Phòng ngừa tắc động mạch chủ bụng
Bác sĩ Dũng cho biết, tắc động mạch chủ bụng là bệnh không thường gặp trong các bệnh lý về tim mạch, xảy ra từ độ tuổi 50 ở nam giới và 55 ở nữ giới. Các triệu chứng do thiếu máu cục bộ hoặc nhồi máu gây ra có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí và loại mạch nuôi dưỡng.
Tắc động mạch chủ bụng cấp có thể gây ra cơn đau đột ngột, kéo dài cả khi nghỉ ngơi, da xanh, có thể bị liệt chân, không có mạch ngoại vi và lạnh ở chân đối với tắc cấp tính của nhánh động mạch chủ hoặc các nhánh xa. Tắc mạch mãn tính có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn từng đợt ở chân, mông và rối loạn cương dương (hội chứng Leriche).
Tắc động mạch chủ bụng cấp có thể gây hoại tử chi và nguy cơ tử vong cao. Trong khi tắc động mạch chủ mạn tính ngoài nguy cơ hoại tử chân do nguồn nuôi dưỡng bị cắt đứt, người bệnh còn có nguy cơ phát triển tắc mạch tại nhiều vị trí khác như động mạch cảnh, động mạch vành, động mạch nuôi não. Tình trạng này có thể dẫn đến hoại tử các tạng, đột quỵ tim, đột quỵ não và nặng nhất là tử vong.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, nếu xuất hiện các triệu chứng đau cách hồi ở chân khi đi bộ, ví dụ đầu tiên đi được 300m, giảm xuống 200m, về sau chỉ đi được 50m, 20m, chân đau nhức phải ngồi nghỉ, là dấu hiệu đặc trưng của bệnh tắc động mạch chủ bụng mạc treo tràng dưới. Người bệnh nên thăm khám chuyên khoa tim mạch để được can thiệp, điều trị sớm.
Trong việc phòng ngừa, bác sĩ Dũng khuyến nghị, không ăn mỡ động vật, các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò, các sản thực phẩm công nghiệp. Nên lựa chọn các loại thịt như thịt gà, cá và tăng cường rau xanh. Về chất béo, cần lựa chọn các loại dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành… các loại dầu được khuyến cáo có lợi cho tim mạch. Đối với người huyết cao không ăn mặn, chỉ ăn lượng muối được khuyến nghị dưới 5gr/ngày. Hạn chế đường đặc biệt các loại đường tinh chế.
Cần vận động ít nhất 30 phút/ngày, thực hành lối sống lành mạnh, không uống rượu bia, hút thuốc lá, hạn chế dùng cà phê và các đồ uống có chứa cafein, nước ngọt đóng chai.
Thăm khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm (6 tháng/lần) đối với người có yếu tố nguy cơ tim mạch, bao gồm người từ 50 tuổi trở lên, người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận mạn…
Comments are closed.