Khám mụt nhọt phát hiện tiểu đường
Vùng mông nổi nhọt, bà N.T.V. (59 tuổi, Bình Dương) dùng dao lam rạch lấy mủ dẫn đến nhiễm trùng. Bác sĩ BVĐK Tâm Anh TP.HCM kịp phát hiện ra bệnh tiểu đường.
Sáng 6/12, bà V. đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM tái khám sau phẫu thuật cắt lọc nhọt ở mông. Vết thương ở hậu môn từng có đường kính 6cm dần lành lặn, khép miệng chỉ còn khoảng 2cm, không cần ghép da.
Khám sớm không phải ghép da
Một tháng trước, bà V. mọc nhọt cỡ hạt đậu xanh ở mông trái. Sờ thấy cứng, hơi ngứa nên bà thoa dầu gió. Mụt nhọt bỗng sưng, đau nhức, bà tiếp tục đắp cao không rõ loại khiến sưng đỏ, lan rộng, ê nhức không thể ngồi hay đi lại. Bà dùng dao lam rạch nhọt, nặn ra một ít mủ đục, cơn đau nhức càng dữ dội, vết thương không lành nên đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Qua thăm khám, thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM ghi nhận vị trí nhọt gần hậu môn đã hình thành ổ áp-xe (mủ), sưng đỏ, lan rộng có nguy cơ bị lỗ rò hậu môn trực tràng. Ngay lập tức, người bệnh được chụp MRI (cộng hưởng từ), xét nghiệm máu. Kết quả, định lượng glucose lên đến 10.06 mmol/L (bình thường 4.11 – 6.05 mmol/L), HbA1c đến 8.2% (bình thường 4.0 – 6.0%).
Nhanh chóng, thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Hậu và bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết – Đái tháo đường cùng phối hợp hội chẩn, xem xét nguyên nhân gây nhọt và kiểm soát đường huyết trước khi phẫu thuật.
Người bệnh dùng thuốc điều trị tiểu đường kết hợp với dùng kháng sinh kiểm soát đường huyết và cải thiện tình trạng viêm, sau đó phẫu thuật. Bác sĩ Hậu cắt lọc nhọt cho bà V., với đường kính vết thương 6cm. Sau mổ, bà tiếp tục dùng kháng sinh và thuốc điều trị tiểu đường. Nếu vết thương không khô, người bệnh sẽ tiếp tục phẫu thuật ghép da để làm lành vết mổ.
Thế nhưng, với tinh thần không để người bệnh lên bàn mổ thêm lần nữa, các bác sĩ BVĐK Tâm Anh TP.HCM chăm sóc người bệnh chu toàn. Tại bệnh viện, bà được nhân viên y tế vệ sinh, sát trùng vết thương kỹ lưỡng. Khi xuất viện, hàng ngày, nhân viên y tế đến nhà mỗi ngày 2 lần, tiếp tục chăm sóc vết thương. Sau 1 tháng, vết thương khô, dần lành lặn, không cần ghép da. Hiện vết thương qua giai đoạn lên mô hạt đến giai đoạn biểu mô hóa sắp lành, miệng vết thương khép nhỏ, đường kính khoảng 2cm.
Ngày tái khám, chỉ số đường huyết cải thiện; bà reo lên giữa phòng khám Nội tiết – Đái tháo đường: “Tôi đi đứng và ngồi không ê nhức nữa, sẽ tuân thủ lời dặn của bác sĩ để không bị biến chứng tiểu đường”.
Nhọt vì đường huyết cao
Bác sĩ Duy kể lại, lúc cầm kết quả xét nghiệm, khi nhìn thấy chỉ số HbA1c là 8.2%, điều này cho thấy người bệnh đã bị đái tháo đường ít nhất 3 tháng và không kiểm soát tốt nhưng không hay biết. Bởi chỉ số HbA1c là phản ánh tình trạng glucose máu trong 3 tháng có kiểm soát tốt không. Cụ thể, HbA1C <5.7%: bình thường; HbA1C >6.5%: đường huyết được kiểm soát kém. Vì kiểm soát không tốt đường huyết nên dẫn đến nhọt.
Ở người bị tiểu đường do đường huyết cao khiến da dễ nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, thường gặp là vi khuẩn Staphylococcus aureus hoặc liên cầu khuẩn… dẫn đến nhọt. Nhiễm trùng thường phát triển sâu dưới da, liên quan đến nang lông.
Ngoài ra, người bệnh thường bị tổn thương mạch máu và thần kinh ngoại biên nên lưu lượng máu đến các mô ở xa (tay, chân, mông… ) giảm. Dinh dưỡng và oxy không đến được vị trí tổn thương để nuôi dưỡng tế bào cũng như không tạo phản ứng miễn dịch hiệu quả nên sức đề kháng giảm sút. Điều này khiến người bị tiểu đường có nguy cơ cao nhiễm trùng da (nhọt, lở loét…) và tái phát liên tục.
Theo bác sĩ Duy, ngoài nguy cơ nhiễm nấm, vi khuẩn gây nhọt ở da, người bệnh không kiểm soát tốt đường huyết còn dễ bị nhiễm trùng tiểu, viêm nhiễm đường hô hấp, đường sinh dục…
Bác sĩ Duy khuyên, người bệnh không đắp lá cây, nặn, rạch… mụn nhọt, tránh làm vỡ vết thương gây gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan khắp cơ thể. Nếu nhiễm trùng huyết dễ dẫn đến biến chứng nặng về tuần hoàn, rối loạn đông máu… thậm chí tử vong. Chưa kể, việc dùng kim chích lể, dao lam… nặn nhọt dễ bị bệnh uốn ván.
Người bệnh nên dùng khăn sạch vệ sinh nhẹ nhàng. Sau 2-3 ngày, nếu mụn nhọt không lành, người bệnh đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường khám, tìm nguyên nhân và điều trị.
MEN Pro tăng cường sinh lực cho nam giới, bổ thận & tráng dương & tăng cường sinh lý nam. Dùng cho nam giới có các triệu chứng đau lưng, mỏi gối & tiểu đêm nhiều lần do chức năng thận kém
Comments are closed.