Chữa lành trái tim khiếm khuyết cho em bé 4 tuổi người Đức
Bác sĩ bệnh viện Tâm Anh phẫu thuật đóng lỗ thông liên nhĩ lên đến 20mm và tạo hình 2 van nhĩ thất cho bé 4 tuổi mắc bệnh kênh nhĩ thất trung gian.
Sau 5 ngày mổ tim hở, bé Stone Keana Lee Kim (Quốc tịch Đức) hồi phục sức khỏe nhanh chóng, có thể ăn uống, đi lại bình thường và được xuất viện.
ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, Cố vấn Phẫu thuật tim, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, người trực tiếp phẫu thuật cho bé cho biết, bé Keana mắc bệnh lý kênh nhĩ thất thể trung gian, gây ảnh hưởng đến vách liên thất và vách liên nhĩ. Hiện tại buồng tim đã dãn, vì vậy bác sĩ chỉ định phẫu thuật đóng lỗ thông tầng thất và lỗ thông tầng nhĩ trong tim; đồng thời sửa van nhĩ thất bị tổn thương bẩm sinh.
Trái tim có 4 buồng, bao gồm 2 tâm nhĩ (nhĩ trái và nhĩ phải) ở phía trên và 2 tâm thất (thất trái và thất phải) ở phía dưới. Các buồng được chia bởi các vách ngăn, tạo thành vùng chữ thập ở giữa. Trường hợp nặng, người bệnh vừa có lỗ thông liên thất, vừa có thông liên nhĩ, vừa bị tổn thương 2 van (bệnh kênh nhĩ thất toàn phần); có trường hợp người bệnh chỉ mắc thông liên nhĩ, không có thông liên thất, ít hở van hơn (bệnh kênh nhĩ thất bán phần).
“Tình trạng của bé Keana lại nằm ở giữa 2 trường hợp trên, được gọi là bệnh kênh nhĩ thất thể trung gian. Bệnh thường gặp ở những bé bị bệnh Down, chiếm tỷ lệ hơn 50%. Đối với những đứa trẻ bình thường như Keana, bệnh lý này ít gặp, chiếm khoảng 5%”, bác sĩ Viên nói.
Theo bác sĩ Viên, trường hợp Keana, phẫu thuật ở độ tuổi này là thích hợp. Thứ nhất, để tránh hiện tượng máu lên phổi nhiều, làm tăng áp lực động mạch phổi. Thứ hai, để tối ưu hóa hoạt động của trái tim, tránh những tổn thương do hở van làm dày, cứng mô van khiến cuộc phẫu thuật sửa van không đạt kết quả tốt. Nếu để lâu, trái tim có thể dẫn tới bị bù trừ, giãn ra và suy, lâu hồi phục hơn. Do đó, bệnh lý này nên mổ trước 3 tuổi.
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bác sĩ chọn phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, đường mổ nhỏ chỉ khoảng 5cm ở giữa ngực. Một miếng vá lấy từ màng ngoài tim được sử dụng để khâu và đóng kín lỗ thông liên nhĩ; sau đó là sửa lại 2 van để không còn bị hở. Trong quá trình phẫu thuật, một hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể được thiết lập để đảm bảo chức năng cung cấp máu, oxy tạm thời cho các cơ quan trong cơ thể thay cho tim và phổi; song song đó cũng can thiệp ngưng tim để thao tác mổ được chính xác và tránh không khí đi vào động mạch chủ, di chuyển đến những nơi khác gây tắc mạch.
Trước đó, bé được gây mê bằng phương pháp đặt nội khí quản để chủ động kiểm soát hoàn toàn hô hấp kết hợp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giảm đau hiệu quả. Nhờ đó, ở giai đoạn hậu phẫu, bé được rút nội khí quản sớm, bé có thể tự tập thở trở lại nhanh hơn, ăn uống, vận động sớm 48 giờ sau mổ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trân (mẹ bé) bồi hồi xúc động khi nhìn thấy nụ cười giòn tan, đôi môi hồng hào của cô con gái sau 4 năm chờ đợi.
Nhớ lại thời điểm 4 năm trước, khi bác sĩ thông báo bé Keana bị bệnh tim bẩm sinh, cả gia đình chị Trân đều sốc và không tin đó là sự thật. Hai con trai đầu của chị đều có sức khỏe tốt; các thành viên gia đình nội ngoại đều không có ai mắc căn bệnh này. Trong quá trình mang thai bé Keana, chị đều đi thăm khám đúng lịch tại bệnh viện địa phương nhưng cũng không phát hiện vấn đề bất thường.
Khi lớn lên, bé có dấu hiệu mệt mỏi, da mặt và môi tím tái lúc chơi hoặc buổi sáng ngủ dậy; chân và tay luôn có cảm giác lạnh, da dẻ không được hồng hào. Chị Trân cho biết, chồng chị cũng đã liên hệ một số bệnh viện tại Đức hay Singapore, Thái Lan… nhưng chi phí phẫu thuật cao gấp nhiều lần so với Việt Nam. Trong thời điểm dịch Covid-19, việc đi lại khó khăn nên gia đình tạm gác lại việc phẫu thuật cho bé. Lúc đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, bé Keana được sắp xếp ngủ ở tầng trên; mọi sinh hoạt của người lớn đều thực hiện ở tầng dưới và chỉ chơi cùng bé khi đã tắm rửa, khử khuẩn đầy đủ.
“Vì dịch bệnh mà bé và gia đình phải sống cách ly trong một thời gian. Thương bé còn nhỏ, rất muốn được ôm hôn mẹ thường xuyên nhưng tôi giải thích cho bé cần hạn chế tiếp xúc. Bé rất hiểu chuyện và không hề khóc trong suốt những ngày dịch bệnh căng thẳng. May mắn giờ đây bé đã được phẫu thuật chữa lành trái tim, chúng tôi cũng yên tâm hơn”, chị Trân chia sẻ.
Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội tim mạch, phẫu thuật tim, tim bẩm sinh, siêu âm tim, hồi sức tim mạch… Bệnh viện trang bị hệ thống thiết bị hiện đại, phòng mổ tim tiêu chuẩn quốc tế, phòng hồi sức kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, ứng dụng các kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến như: phẫu thuật van tim ít xâm lấn, đường mổ nhỏ (Mini-invasive), phẫu thuật bắc cầu động mạch vành ít xâm lấn (CABG) – không dùng máy tim phổi nhân tạo, mổ đường ngực bên; phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ (MICS); phẫu thuật tim bẩm sinh đường mổ nhỏ…
Đặc biệt, Trung tâm Tim mạch triển khai thường quy các phương tiện, kỹ thuật gây mê hồi sức tiên tiến (gây tê mặt phẳng cơ dựng sống, ECMO, siêu lọc máu, bóng đối xung nội động mạch chủ,…) giúp giảm đau, hạn chế biến chứng sau mổ, người bệnh hồi phục nhanh và xuất viện sớm.
Comments are closed.