Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về Phòng chống kháng thuốc 2022
Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc 2022 do Tổ chức Y tế thế giới phát động từ ngày 18/11/2022 đến ngày 24/11/2022 tiếp tục với chủ đề “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”.
Kháng thuốc, kháng kháng sinh là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người trên toàn thế giới. Tình trạng này có thể làm kéo dài thời gian và tăng chi phí điều trị, tăng tỷ lệ mắc bệnh và nguy cơ tử vong, ảnh hưởng đến người bệnh và xã hội. Hàng năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức phát động Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về nguyên nhân và ảnh hưởng của việc kháng thuốc với sức khỏe người bệnh.
Sự lây lan của vi khuẩn kháng kháng sinh trong cộng đồng
Kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn và các vi sinh vật khác biến đổi sau khi phơi nhiễm với thuốc kháng sinh. Vi khuẩn kháng sinh có thể lan truyền trong cộng đồng theo nhiều cách khác nhau như kháng sinh sử dụng trong sản xuất thức ăn gia súc và cây trồng; vi khuẩn kháng thuốc phát triển trong đường ruột của gia súc; vi khuẩn kháng thuốc tác động đến sức khoẻ con người thông qua thức ăn, môi trường (nước, đất, không khí), hoặc tiếp xúc trực tiếp giữa người và động vật; vi khuẩn kháng thuốc lan truyền đến cộng đồng; vi khuẩn kháng thuốc lan truyền trong cộng đồng do thiếu vệ sinh và các thiết bị không vệ sinh sạch sẽ.
Ngoài ra, việc người bệnh khám bệnh tại bệnh viện hoặc phòng khám không đảm bảo vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định cũng sẽ làm tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn kháng kháng sinh trong cộng đồng. Những trường hợp sử dụng kháng sinh không hợp lý cũng có thể làm phát triển các vi khuẩn kháng kháng sinh.
Nguyên nhân của đề kháng kháng sinh
6 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người bệnh kháng kháng sinh bao gồm:
- Kê toa kháng sinh không hợp lý
- Người bệnh không dùng hết liều kháng sinh như được kê đơn
- Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc và thuỷ sản
- Kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và phòng khám chưa tốt
- Thiếu vệ sinh và hệ thống vệ sinh kém
- Phát triển kháng sinh mới còn hạn chế
Phòng chống kháng kháng sinh
Theo WHO, mỗi năm có ít nhất 700.000 người chết do các bệnh kháng thuốc. Người bệnh kháng thuốc nếu cần dùng thuốc để diệt vi trùng – mầm mống gây bệnh trong cơ thể, thì thuốc không thể phát huy tác dụng, từ đó khiến người bệnh bị bệnh nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.
Việc phòng chống kháng kháng sinh giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, giảm thiểu tỷ lệ tử vong và bảo vệ sức khỏe người bệnh. Mỗi người đều có thể phòng chống kháng kháng sinh bằng những biện pháp sau:
- Không tự mua kháng sinh dùng mà không có đơn của bác sĩ
- Phải luôn dùng kháng sinh đủ liều theo đơn, ngay cả khi đã cảm thấy tình trạng bệnh được cải thiện
- Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ các đợt điều trị trước
- Không chia sẻ, dùng chung thuốc kháng sinh của mình với người khác
- Phòng ngừa nhiễm khuẩn bằng cách thường xuyên vệ sinh tay, tránh tiếp xúc gần với người bệnh và tiêm phòng các vắc xin để phòng bệnh
Kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Thông qua Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc 2022 do WHO phát động, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nâng cao ý thức “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”, đồng thời khuyến khích tất cả người bệnh và thân nhân chung tay phòng chống kháng kháng sinh hiệu quả.
OB New tăng cường sinh lý, cải thiện khả năng quan hệ & bổ thận tráng dương. Sản phẩm dùng cho nam giới trên 18 tuổi có các biểu hiện như suy giảm sinh lý, đau lưng mỏi gối, suy nhược cơ thể do thận yếu.
Comments are closed.