Bệnh nhân cường giáp bị loạn nhịp tim nhanh gây tụt huyết áp
Em T.H.D. (19 tuổi, TP.HCM) có phủ tạng đảo ngược với tim nằm bên phải, có triệu chứng gần ngất được đưa vào BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Các bác sĩ phát hiện tim đập 256 nhịp/phút kèm theo tình trạng cường giáp nặng.
Nhịp tim rất nhanh, cường giáp nặng
Theo lời kể của bà L. (mẹ của em D.), năm 2020, bà được phát hiện cường giáp Basedow. Lúc đó, bác sĩ tư vấn bà đưa các con đi tầm soát vì bệnh Basedow có khả năng di truyền trong gia đình, thường xảy ra ở phụ nữ 20-50 tuổi. Bởi việc phát hiện sớm cường giáp sẽ có kế hoạch theo dõi và điều trị hiệu quả hơn, đồng thời hạn chế các biến chứng của cường giáp. Bà L. đã đưa con đi khám và nhờ đó em D. được phát hiện bị cường giáp Basedow.
Khoảng 2 tháng cách ngày nhập viện, em D. thường xuyên mệt, hồi hộp, bệnh không thuyên giảm dù được điều trị với thuốc kháng giáp. Nhịp tim của em D. ngày càng tăng, dao động từ 120 – 140 lần/phút, trong khi nhịp tim người bình thường khoảng 60 – 100 lần/phút, vận động viên thể thao khoảng 55 – 60 lần/phút. Trong quá trình điều trị chỉnh thuốc, tình trạng em D. có lúc cải thiện nhưng sau đó lại xuất hiện những cơn mệt và tim đập nhanh tái phát.
Ngày em D. được đưa đi cấp cứu, người nhà cho biết em bị tiêu chảy, tim đập rất nhanh và kéo dài liên tục. Đây là nguyên nhân khiến em kiệt sức, có lúc hoa mắt, chóng mặt, cảm giác muốn xỉu. Em D. được khẩn trương đo điện tim, ghi nhận nhịp nhanh đến 256 nhịp/phút, huyết áp tụt. Kết quả xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp TSH giảm còn 0.01 microIU/ml (bình thường 0.27-4.2 microIU/ml), triiod-thyroxin (T3) tăng lên 43.9 pmol/l (bình thường 3.1 – 6.8 pmol/l), thyroxin (T4) tăng hơn 100 pmol/l (bình thường 12 – 22 pmol/l).
Nhận định đây là cơn bão giáp do cường giáp nặng, bác sĩ CKI Đoàn Quốc Anh, khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM nhanh chóng chỉ định siêu âm tim, X-quang phổi ngay tại giường bệnh. Ghi nhận sức co bóp tim của em D. chưa giảm và chưa có dấu hiệu phù phổi, ngay lập tức, bác sĩ Quốc Anh dùng thuốc chống loạn nhịp, kháng giáp và truyền bù dịch, nâng huyết áp cho người bệnh.
Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua, tim em D. vẫn đập nhanh liên lục, bệnh nhân kiệt sức, huyết áp thấp. Ở bên ngoài phòng cấp cứu, anh H. (anh trai em D.) gọi điện thoại về nhà, báo tình hình sức khỏe, nói mẹ lên TP.HCM gấp vì tình huống xấu nhất có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong khi người nhà bệnh nhân rất lo lắng, bác sĩ Quốc Anh tiếp tục cố gắng điều chỉnh liều thuốc chống loạn nhịp, kháng giáp, theo dõi từng thông số thở, nhịp đập của tim bệnh nhân. Khoảng 2h sáng, nhịp tim em D. có dấu hiệu cải thiện dần, bớt nhanh còn khoảng 130 lần/phút, người nhà em D. mừng rỡ, bớt lo lắng.
Tại phòng cấp cứu, các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, Nội tiết cùng hội chẩn, đánh giá hướng xử lý tiếp theo cho người bệnh. Các bác sĩ nhận định cường giáp là yếu tố thúc đẩy khiến tình trạng rối loạn nhịp nhanh, trầm trọng hơn. Sau khi nhịp tim tạm được kiểm soát, huyết áp ổn định hơn, người bệnh tiếp tục được đưa lên khu điều trị nội trú để theo dõi sức khỏe.
Không còn mệt, khó thở, đi lại bình thường
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Khiêm Thao – Phó khoa Loạn nhịp tim, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM (người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân) giải thích, tình trạng bệnh của em D. gồm: cường giáp Basedow hơn 1 năm nhưng chưa được kiểm soát tốt. Đồng thời, người bệnh có bất thường bẩm sinh đảo ngược phủ tạng với tim nằm bên phải nên cũng có nguy cơ gây nên các rối loạn nhịp. Trong trường này, em D. cần được kiểm soát cường giáp ổn định và theo dõi đáp ứng thuốc điều trị loạn nhịp. Trong giai đoạn cấp tính của cường giáp thường sẽ điều trị thuốc tạm ổn sau đó mới khảo sát sâu về nhịp nếu cần. Nếu tình trạng loạn nhịp nhanh làm huyết áp không ổn định được sẽ gây triệu chứng ngất và cần tiến hành can thiệp triệt phá ngay cả trong giai đoạn cấp. Một số loạn nhịp tim nhanh chưa gây triệu chứng nặng tức thời nhưng kéo dài giảm khả năng gắng sức và chất lượng cuộc sống, hoặc gây suy tim, lúc này cũng cần tiến hành can thiệp triệt phá cơn loạn nhịp.
Sau 2 tháng điều trị phối hợp thuốc kháng giáp và thuốc chống loạn nhịp, cơn nhịp nhanh của em D. đã được kiểm soát ổn, em D. có thể đi làm trở lại, lên xuống cầu thang không mệt, hồi hộp hoặc khó thở như trước. Kết quả đo điện tim em D. ghi nhận nhịp tim dao động khoảng ở mức 60 – 80 lần/phút.
“Hiện bệnh nhân chưa cần can thiệp thủ thuật triệt phá loạn nhịp; tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch và Nội tiết. Vì một số trường hợp loạn nhịp do đường thần kinh phụ tiềm ẩn trong tim có thể khởi phát cơn loạn nhịp nặng, nguy hiểm đe dọa tính mạng như Hội chứng Wolff-Parkinson-White với đường phụ ẩn. Nếu trong quá trình theo dõi phát hiện em D. có những dạng rối loạn nhịp như trên sẽ tiến hành can thiệp triệt phá ổ loạn nhịp” – bác sĩ Thao cho biết.
Về vấn đề cường giáp, thạc sĩ bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết – Đái tháo đường nhận định: có 3 phương pháp điều trị cường giáp là uống thuốc kháng giáp, iốt phóng xạ, phẫu thuật (biện pháp sau cùng khi hai phương pháp trước thất bại). Ở trường hợp của em D., thuốc kháng giáp được dùng tạm thời ở giai đoạn cấp cứu thoát khỏi nguy hiểm. Để kiểm soát cường giáp tối ưu lâu dài cho người bệnh, bác sĩ đã chuyển sang điều trị iốt phóng xạ.
Bà L. xúc động: “Con gái chạy chữa nhiều nơi vẫn không khỏi, mỗi ngày một mệt hơn, đi đứng không nổi. Nhận cuộc gọi giữa đêm, tôi linh tính điều không hay. Nghe con trai bên kia đầu dây nói tim bé D. đập nhanh liên tục, có thể ra đi bất cứ lúc nào, tôi hoảng loạn, không còn tâm trí để làm bất cứ việc gì. Khi bác sĩ đã kiểm soát được nhịp tim, tôi thở phào nhẹ nhõm, mong trời sáng thật nhanh để bắt chuyến xe lên Thành phố với con. Nhờ được các bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường và Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM phát hiện chính xác bệnh và điều trị kịp thời nên cháu không còn hồi hộp, nhịp tim ổn định trở lại”.
PENIRUM PRO+ bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý & cải thiện sinh lý nam. Sản phẩm đang được phân phối tại Coastline Care và giao hàng trên khu vực toàn quốc.
Comments are closed.